Hotline: 0941068156
Thứ năm, 22/05/2025 14:05
Chủ nhật, 18/09/2022 08:09
TMO – Phát triển kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được định hướng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2030.
Trong 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) của Việt Nam đã đóng góp một vai trò to lớn vào sự tăng trưởng, phát triển của Việt Nam, trong đó có sự lớn mạnh về quy mô của nền kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy đổi mới chuyển giao công nghệ, hội nhập và đặc biệt cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Với 403 khu công nghiệp đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.
Chế biến nông sản phục vụ xuất khẩu.
Theo Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, KKT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030 sẽ có từ 40%-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8%-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Tuy nhiên, các KCN, KKT của Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Việc phát triển các KCN, KKT theo chiều rộng đang gặp khó khăn về nguồn lao động, đất đai, tài nguyên, năng suất lao động, phát triển chưa hài hòa, ưu đãi về chính sách đất đai giảm dần…liên kết trong KCN, KKT của Việt Nam thời gian qua còn hạn chế. Vì vậy, việc phát triển mô hình KCN, KKT cần phải có sự đổi mới với các cơ chế, chính sách phù hợp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tận dụng được cơ hội thu hút đầu tư và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo giới chuyên gia, các KCX, KCN cần có những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tính toán chuyển đổi mô hình theo hướng hiệu quả hơn. Đơn cử, TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh theo hướng hiện đại, nên, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 đang là hướng đi đúng đắn, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Được biết, TP. HCM đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, trong đó KCN Hiệp Phước được chọn tham gia dự án. Kết quả của dự án này sẽ là cơ sở để nhân rộng chuyển đổi các KCN hiện hữu sang mô hình KCN sinh thái trên cả nước.
Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là 1.821.800 USD, được triển khai thực hiện trong 3 năm tại 5 tỉnh, thành phố gồm: TP. HCM, TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai, TP. Đà Nẵng và TP. Hải Phòng. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.
Lý Lan
Bình luận