Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 09:11
Thứ năm, 18/04/2024 07:04
TMO – Việc phát triển Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, bền vững còn ít. Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu.
Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện trên các mặt: Thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn; góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
(Ảnh minh họa)
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KCN, KKT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, bền vững còn ít. Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết, hợp tác trong KCN, KKT, giữa các khu với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế. Phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội. Hiệu quả sử dụng đất chưa cao.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất hồ sơ xây dựng Luật KCN, KKT. Theo đó, nhiều nhóm nội dung chính sách nhằm đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế vận động mới trên thế giới như kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh, phát triển bền vững... Trong đó có nhóm chính sách về phát triển các khu công nghiệp hiện đại, thông minh và thu hút được các lĩnh vực đầu tư mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chip, bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo gắn với xu thế mới sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại các khu vực này. Việc hướng đến xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng, đặc biệt năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại mạng lưới KCN, KKT được kỳ vọng sẽ mở hướng phát triển mới và tính bền vững cao.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn cả nước đã hình thành hệ thống các KCN, KKT gồm 407 KCN, trong đó có 04 khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 128.684 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.208 ha, chiếm khoảng 67% diện tích đất thành lập. 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích 766.000 ha. 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha, trong đó khoảng 100.000 ha được quy hoạch để phát triển các khu chức năng.
BÙI HOÀNG
Bình luận