Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ bảy, 18/11/2023 06:11
TMO - Thời gian tới, sẽ có 7 trạm thủy văn độc lập, 4 trạm thủy văn kết hợp tài nguyên nước và 14 trạm đo mưa thuộc Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ và Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ sẽ được thành lập.
Các trạm khí tượng thủy văn này được đầu tư từ Tiểu dự án “Đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước và tăng cường công tác điều phối việc vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và lưu vực sông Cả” thuộc Hợp phần 2: Quản lý an toàn đập, dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn đập” (WB 8).
Trong đó, tỉnh Quảng Nam sẽ được thành lập 5 trạm thủy văn tại Thác Cạn, Sông Thanh (Nam Giang), Hà Tân (Đại Lãnh, Đại Lộc), Cửa Đại (Hội An) và Tiên Phước; 4 trạm thủy văn kết hợp tài nguyên nước tại hồ Sông Bung 2 (xã Zuôih, Nam Giang), hồ sông Tranh 2 (xã Trà Tập, Nam Trà My), hồ A Vương (Prao, Đông Giang) và hồ Đắc Mi 4 (xã Phước Chánh, Phước Sơn). Ngoài ra, còn thành lập 11 trạm đo mưa tại Trà Giác (Bắc Trà My), Trà Nam (Nam Trà My), Phước Mỹ, Phước Thành (Phước Sơn), Zuôih, Tà Bhing (Nam Giang), Bhalee, Dang, A Xan (Tây Giang), Sông Kôn (Đông Giang) và Phước Trà (Hiệp Đức).
Sẽ thành lập một trạm thủy văn kết hợp tài nguyên nước tại hồ A Vương, tỉnh Quảng Nam.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành, huyện thị liên quan phối hợp với Tổng cục Khí tượng thủy văn triển khai việc thành lập các trạm thủy văn và trạm đo mưa trên địa bàn Quảng Nam. Theo đó, các sở, ngành có trách nhiệm phối hợp thực hiện là: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam và UBND thành phố Hội An, các huyện: Hiệp Đức, Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My và Nam Trà My.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1261/QĐ-TTg ngày 27/10/2023 phê duyệt Đề án "Hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2025 và thời kỳ 2026 - 2030".Mục tiêu cụ thể của Đề án là hiện đại hóa công nghệ quan trắc khí tượng thủy văn đến năm 2030, nâng tổng số trạm tự động trên toàn mạng lưới đạt 95% đối với các trạm khí tượng, đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao và tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng nước.
Nghiên cứu áp dụng công nghệ quan trắc từ xa bằng vệ tinh, camera, viễn thám, vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động quan trắc phục vụ giám sát, dự báo trên diện rộng. Dự báo khí tượng thủy văn hằng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường có độ tin cậy đạt 80 - 85%. Dự báo đủ độ tin cậy quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 2 - 3 ngày, tăng thời hạn cảnh báo quỹ đạo và cường độ bão trước 3 - 5 ngày.
Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy đối với các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 2 - 3 ngày, ở Trung Bộ trước 1 - 2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày; tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2 - 3 ngày lên thêm 5 - 10% so với năm 2020; cảnh báo đủ độ tin cậy lũ quét, sạt lở đất trước 6 giờ; tăng thời hạn dự báo thời tiết đến 10 ngày, cảnh báo xu thế diễn biến một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đến 1 tháng, cảnh báo hiện tượng ENSO tác động đến Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3 tháng đến 1 năm; nâng chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN...
Hồng Anh
Bình luận