Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 02:11
Thứ bảy, 01/04/2023 12:04
TMO - Tỉnh Khánh Hòa hướng tới phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, chủ động phòng chống thiên tai, đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 31 hồ chứa nước, trong đó có 28 hồ thủy lợi và 3 hồ thủy điện với tổng dung tích trữ nước khoảng 216 triệu m3. Các hồ này kết hợp với hơn 110 đập dâng, 63 trạm bơm và hơn 2.200km kênh... đang phục vụ tưới cho khoảng 20.000ha lúa và cây trồng khác; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, sinh hoạt với hơn 61.000m3/ngày đêm. Đồng thời, góp phần giảm lũ, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.
Địa phương này sẽ đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu và toàn diện, hoàn chỉnh cho từng hệ thống. Nâng cấp hiện đại hóa công trình đầu mối, kênh dẫn, điều khiển vận hành để phát huy năng lực thiết kế và nâng cao năng lực phục vụ. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư các công trình tích trữ nước, đập dâng, đập ngăn mặn giữ ngọt, hệ thống dẫn nước và chuyển nước để đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho từng khu vực.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị rà soát, nâng cấp hệ thống thủy lợi đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Đồng thời, nâng cao khả năng tiêu thoát ra các sông, kênh tiêu, bảo đảm thoát nước cho các vùng đồng bằng, vùng thấp trũng với tần suất thiết kế 5-10%; chủ động trong điều tiết lũ, kiểm soát triều, ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đầu tư nâng cấp xây dựng các công trình lớn để điều tiết lũ, kiểm soát triều, ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nâng cấp đảm bảo yêu cầu an toàn hồ đập theo quy định và nâng cao năng lực phòng lũ cho các hồ chứa...
Kết quả tính toán cân bằng nước sơ bộ trên địa bàn tỉnh cho thấy, tổng lượng nước đến các vùng có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong năm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước thường xảy ra vào các tháng mùa kiệt từ tháng 1 đến tháng 8 và thừa nước vào các tháng mùa lũ. Đến năm 2030, toàn tỉnh thiếu khoảng 806 triệu m3 nước vào các tháng mùa kiệt và thừa khoảng 2,4 tỷ m3 nước vào các tháng màu lũ. Bên cạnh đó, về mùa kiệt khi dòng chảy trên các sông xuống thấp dẫn đến nước mặn xâm nhập vào rất sâu phía trong lục địa ảnh hưởng đến cấp nước.
Do vậy, giải pháp cấp nước là xây dựng các hồ chứa nước để tích trữ nguồn nước dư thừa trong mùa mưa, giảm lũ cho hạ du và điều tiết cấp cho các nhu cầu sử dụng nước vào mùa khô; xây dựng các đập ngăn mặn giữ ngọt tại các khu vực cửa sông; xây dựng các đập dâng, trạm bơm để điều tiết dòng chảy và cấp nước cho các khu vực cục bộ.
Đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa dự kiến đầu tư xây dựng 41 hồ chứa với tổng dung tích 283,85 triệu m3, cấp nước cho 13.392 ha diện tích lúa, màu và cây công nghiệp, cấp nước sinh hoạt khoảng 300.000 người, cấp nước 250 ha nuôi trồng thủy sản và bổ sung nguồn cấp nước khu công nghiệp, kết hợp giảm lũ, tạo cảnh quan du lịch, cải thiện môi trường sinh thái. Hoàn thành công trình đập ngăn mặn Sông Cái Nha Trang. Đầu tư xây dựng 6 công trình đập dâng, nâng cấp sửa chữa 16 công trình đập dâng; xây mới 5 công trình trạm bơm, góp phần nâng cao hiệu quả lấy nước của hệ thống trạm bơm, kênh mương trong vùng.
Đối với các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đến năm 2025, xây mới, sửa chữa, nâng cấp các cống tiêu, đập dâng, bờ cản nhỏ; kiên cố hóa 600km kênh mương nội đồng, sửa chữa 500km kênh gạch, đá xây. Đến năm 2030, tiếp tục thực hiện kiên cố hóa kênh mương và sửa chửa kênh mương đã xuống cấp để đảm bảo tưới, tiêu thoát nước chủ động, giảm thất thoát nước.
Tỉnh sẽ đầu tư, nâng cấp các hồ chứa thượng nguồn kết hợp xây dựng quy trình vận hành để tăng cường năng lực cắt giảm lũ cho hạ du. Củng cố, hoàn thiện các tuyến đê sông, đê biển để đáp ứng yêu cầu phòng chống lũ, bão theo quy định. Nạo vét, mở rộng các trục thoát lũ, tiêu úng kết hợp kè, lát bảo vệ mái và ổn định lòng dẫn; kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đầu tư, nâng cấp kịp thời các công trình đê kè bị hư hỏng do thiên tai. Nâng cao năng lực giám sát, dự báo và cảnh báo lũ trên các hồ chứa và trên các sông.
Tỉnh Khánh Hóa triển khai phương án phát triển hạ tầng tiêu úng và phòng chống lũ thông qua phân vùng tiêu, thoát nước. Trong đó, với mục tiêu thoát nước chủ yếu cho nông nghiệp, tỉnh Khánh Hòa phân thành 2 vùng tiêu chính: Vùng tiêu sông Cái Ninh Hòa (gồm khu tiêu Tả sông Cái Ninh Hòa, khu tiêu Hữu sông Cái Ninh Hòa); vùng sông Cái Nha Trang (gồm khu tiêu Tả sông Cái Nha Trang, khu tiêu Hữu sông cái Nha Trang). Đầu tư xây dựng các tuyến kè bảo vệ bờ sông suối để bảo vệ bờ, phòng chống thiên tai, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2030, đề xuất nạo vét, khơi thông, mở rộng, gia cố 9 trục tiêu chính, đầu tư 57 công trình tuyến kè chống sạt lở, kè kết hợp đường giao thông các sông thuộc lưu vực sông Cái Ninh Hòa và sông Cái Nha Trang.
Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi đảm bảo nguồn nước tới, phòng chống thiên tai.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu đặc biệt là trong phòng chống lũ, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2050 nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi theo hướng hiện đại, hoàn thiện và đồng bộ nhằm đảm bảo cấp nước chủ động trong cấp nước và thoát nước, phòng chống lũ lụt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Xây dựng các công trình hồ chứa làm nhiệm vụ cấp nước đa mục tiêu kết hợp phòng lũ; công trình ngăn mặn giữ ngọt để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Đầu tư xây dựng mới kết hợp tiếp tục nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước và nạo vét, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, cấp nước bằng đường ống nhằm đáp ứng nhu cầu cấp nước và giảm thiểu thất thoát nước. Tiếp tục đầu tư nâng cấp các hệ thống tiêu thoát lũ thuộc khu vực hạ lưu hồ chứa nước, khu vực dân cư thường xuyên bị ngập lụt, các khu vực thường xuyên ngập úng và xây dựng các công trình kè sông, kè biển nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước và bảo vệ bờ sông, bờ biển.
Thu Trang
Bình luận