Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 06:11
Thứ năm, 01/12/2022 08:12
TMO – Vùng Đông Nam Bộ được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều ý kiến cho rằng cần đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy và tăng tính kết nối liên vùng.
Phát biểu trong Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ tổ chức hôm 26/11 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đề xuất hình thành Quỹ phát triển hạ tầng giao thông Vùng với nguồn vốn hỗn hợp (kêu gọi tài trợ quốc tế, vốn Trung ương, vốn địa phương theo khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương).
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, để đưa Vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cần có cơ chế phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả giữa các địa phương trong Vùng và các bộ, ngành có liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo Nghị quyết 24 trên địa bàn cả Vùng. Trước mắt cần sự phối hợp và điều phối chung trong công tác quy hoạch của các địa phương và quy hoạch Vùng; triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối như đường vành đai 3, 4, các đường cao tốc TP. HCM-Mộc Bài; TP. HCM-Chơn Thành; Biên Hòa-Vũng Tàu; Đồng Nai- Lâm Đồng; mở rộng cao tốc TP. HCM-Long Thành; nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối Vùng đô thị TPHCM…
Hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Ảnh: H.T
Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP. HCM cho rằng cần xác định rõ thể chế "Hội đồng Vùng" với thẩm quyền và nguồn lực rõ ràng, nhằm thực hiện hiệu quả công tác điều phối các nhiệm vụ cụ thể có tác động chung đến cả Vùng. Trước mắt, bổ sung rõ cơ chế trách nhiệm phối hợp liên tỉnh trong Vùng trong thực hiện các nhiệm vụ có quy mô liên quan hay tác động từ 2 địa phương trong Vùng trở lên. Hình thành Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng với nguồn vốn hỗn hợp (kêu gọi tài trợ quốc tế, vốn Trung ương, vốn địa phương theo khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương).
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác các nội dung liên Vùng như: Phát triển giao thông, bảo vệ các hệ thống sông, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt và y tế, các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu Vùng; hợp tác phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung Vùng về kinh tế-xã hội, làm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển và điều phối hoạt động liên kết Vùng.
Là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động triển khai một số công việc cần thiết như: Tổ chức lập quy hoạch và triển khai các thủ tục kêu gọi đầu tư trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích 1.686,73 ha; hiện nay đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Triển khai đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng; phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối Vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là kết nối cảng Thị Vải-Cái Mép với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM…
Hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là một có chế ưu đãi riêng cho Bà Rịa-Vũng Tàu mà là cơ chế đặc thù cho cả Vùng Đông Nam Bộ.
Sự ra đời của khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ tạo ra một công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khu vực và thế giới trong thu hút đầu tư và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới, là động lực để Vùng Đông Nam Bộ có thể đóng góp lớn hơn vào sự phát triển thịnh vượng chung của cả nước. UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu tổng thể về mô hình quản lý cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho khu thương mại tự do và đề xuất hoạch định, xây dựng. Tăng cường chỉ đạo phối hợp các địa phương trong vùng trong phát triển cảng biển và logistics, bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng, điều tiết các nhu cầu cấp vùng, thống nhất và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch vùng.
Các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về cảng biển, trước mắt đưa trung tâm chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật và cơ sở nuôi động vật sạch bệnh tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đi vào hoạt động và trả kết quả ngay tại khu vực Cái Mép-Thị Vải nhằm hỗ trợ thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm thời gian đi lại, quyết liệt xây dựng cơ chế chính sách thí điểm cảng mở tại cụm cảng container khu vực Cái Mép để đơn giản hóa thủ tục hành chính đố với hàng xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố (TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu). Diện tích đất tự nhiên khoảng trên 23.500 km2, dân số khoảng trên 18 triệu người (chiếm khoảng 16% dân số cả nước).
Quốc Dũng
Bình luận