Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ sáu, 17/06/2022 14:06
TMO - Trong những năm gần đây, thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) đối mặt với tình trạng ngập lụt đô thị nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nghiên cứu và đề xuất các phương án, giải pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình theo hướng mở, gần gũi với cảnh quan môi trường tự nhiên.
Qua khảo sát tại TP. Đông Hà, nước ngập ở trong thành phố thoát về hướng Đông và về phía khu vực thấp trũng phía Bắc sông Hiếu. Khả năng thoát nước lũ ra biển hạn chế do các công trình đã thu hẹp nhiều đoạn sông, trong khi khả năng trữ lũ của các hồ chứa nội đô không lớn. Như vậy, dù nguồn nước đến từ lũ trên sông hay mưa cực đoan ở khu vực nội đô, thành phố và các khu vực xung quanh đều bị ngập lụt vì tốc độ lũ thoát ra biển sẽ không thể nhanh như tốc độ lũ dồn về.
TP. Đông Hà định hướng tăng trưởng 200% dân số đến năm 2050 và hầu hết quy hoạch phát triển dân cư và thương mại đều ở các khu lưu vực trữ lũ. Theo AFD, việc san lấp dù chỉ một phần khu vực này đều làm tăng mức độ ngập cả về diện tích và độ sâu. Dù có các tuyến cống thoát nước hay không thì người dân vẫn sẽ phải đối mặt với ngập lụt nghiêm trọng, bởi nước không thoát nước nhanh được.
Khu vực đô thị tại TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) đối mặt với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, khả năng thoát nước hạn chế
Do vậy, việc hoạch định đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn biến phức tạp là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Chính quyền thành phố cần tìm hiểu về rủi ro liên quan đến BĐKH và cách thức quản lý các rủi ro trong suốt vòng đời của cơ sở hạ tầng, xem xét yếu tố BĐKH và tác động của nó tới điều kiện đô thị trong tương lai để đề xuất dự án phát triển đô thị.
Dự kiến năm 2023, tỉnh Quảng Trị sẽ bắt đầu triển khai dự án “Thành phố xanh: Phát triển đô thị, tăng trưởng xanh và chống chịu khí hậu ở Đông Hà, Việt Nam”, do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ thông qua Quỹ WARM.
Trọng tâm là cải thiện nền tảng cơ sở hạ tầng thành phố, bao gồm các dự án kè (xung quanh Hói Sòng, bờ Tây sông Thạch Hãn, bờ Bắc sông Vĩnh Phước và bờ Nam sông Hiếu), cải tạo hệ thống thoát nước (hạ lưu hồ Khe Mây, hồ Trung Chỉ và khu thu nhập thấp), nâng cấp cảnh quan đô thị.Dự án được triển khai với 2 hợp phần bao gồm: Dự án đầu tư và Hỗ trợ kỹ thuật.
Trong đó, Hợp phần 1: Dự án đầu tư đề xuất thiết lập nền tảng cho cơ sở hạ tầng thành phố được cải thiện, có 3 dự án thành phần: Các dự án kè (có 7 tiểu dự án: Kè xung quanh Hội Sông, 2 tiểu dự án kè bờ Tây sông Thạch Hãn, 3 tiểu dự án kè bờ Bắc sông Vĩnh Phước, kè bờ Nam sông Hiếu), Dự án thoát nước (có 3 tiểu dự án: Cải tạo hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Khe Mây, Cải tạo hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Trung Chỉ và Cải thiện hệ thống thoát nước khu thu nhập thấp) và các dự án nâng cấp đô thị (có 2 tiểu dự án: Công viên Bà Triệu và Cải tạo đường phố khu thu nhập thấp).
Hợp phần 2: Hỗ trợ kỹ thuật, sẽ xây dựng dựa trên nền tảng này để tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu thông qua thay đổi gia tăng được thúc đẩy bởi quá trình ra quyết định sáng suốt và tăng cường năng lực kỹ thuật.
Hợp phần 2 có 4 tiểu dự án: Hỗ trợ lập kế hoạch sử dụng đất thích ứng với khí hậu và quản lý lũ lụt; Hỗ trợ hoạt động thực hiện chương trình đầu tư; Hỗ trợ chương trình thành phố thí điểm thực hiện kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam; Hỗ trợ các hoạt động kinh tế địa phương và tạo việc làm xanh.
Tỉnh Quảng Trị đã phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nghiên cứu và đề xuất các phương án chống chịu với BĐKH hiệu quả
Các chuyên gia tư vấn của AFD đã mô hình hóa các hạng mục này để chỉ ra hiệu quả chống sạt lở, ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tổng chiều dài bờ sông được kè là 11,7 km, ước tính sẽ bảo vệ hơn 23 ha diện tích đất bờ sông, khơi thông và mở rộng dòng chảy. Các công trình cũng góp phần phòng chống lũ lụt và giảm 26% diện tích ngập lụt khi xuất hiện mưa diện rộng.
Trên nền tảng cải thiện cơ sở hạ tầng, Dự án cũng hỗ trợ chính quyền thành phố trong quá trình ra quyết định tăng cường khả năng chống chịu BĐKH, như lập kế hoạch sử dụng đất thích ứng với khí hậu và quản lý lũ lụt; thực hiện chương trình đầu tư và tăng cường các hoạt động kinh tế địa phương, tạo việc làm phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH.
Trước đó, TP Đông Hà là một trong 23 đô thị được Thủ tướng Chính phủ chọn vào danh mục đô thị thực hiện thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh để rút kinh nghiệm và tổ chức nhân rộng.
Thu Trang
Bình luận