Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 03:01
Thứ tư, 05/10/2022 20:10
TMO - Nhằm từng bước kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời hoàn thiện quy hoạch phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu, TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án “Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2022 – 2030”.
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho thấy, TP.HCM là 1 trong 10 thành phố hàng đầu thế giới có số dân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngập lụt vì 40 - 50% diện tích trong khoảng 0-1 m so với mực nước biển; 15 - 20% trong khoảng 1-2 m so với mực nước biển và một số khu vực thường xuyên bị ngập. Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình của toàn TP.HCM đã tăng khoảng 0,7 độ C, gây gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
Theo dự báo, khi biến đổi khí hậu xảy ra trên diện tích bị ngập của thành phố đến cuối thế kỷ XXI lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473km2 tương ứng với mực nước biển dâng là 65cm, 75cm và 100cm; khả năng để kiểm soát ngập 100% là điều không thể thực hiện được, kể cả các quốc gia tiên tiến nhất thế giới cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất.
Biến đổi khí hậu khiến diện tích ngập của thành phố gia tăng với mực nước biển dâng. Ảnh: Anh Thư
Đề án “Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn TP.HCM được xây dựng nhằm thực hiện các nhiệm vụ thuộc các Chương trình của Đề án, bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas Đô thị và Khí hậu).
Trong đó, triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn Thành phố; Phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng và chuyển giao cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas Đô thị và Khí hậu) cho 5 đô thị trọng điểm: TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến hệ thống đô thị có nguy cơ chịu tác động (đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2022 - 2030) nhằm khắc phục, cải tạo và thích nghi với bối cảnh biến đổi khí hậu; Khảo sát, đánh giá mức phát thải khí nhà kính từ dòng chảy, đề xuất giải pháp quy hoạch đô thị đối với hệ thống kênh rạch Thành phố.
Bên cạnh đó, bổ sung lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu và quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị: Xây dựng hướng dẫn thích ứng biến đổi khí hậu phục vụ công tác lập và quản lý quy hoạch đô thị tại TP.HCM; Phân tích đánh giá rủi ro ngập nước tại khu vực phía Nam TP.HCM và đề xuất các giải pháp thích ứng; Rà soát Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố, thực hiện Phương án phát triển thủy lợi giảm ngập TP.HCM nhằm khép kín toàn bộ hệ thống thoát nước, ngăn triều, phát huy hiệu quả trong việc phòng, chống ngập úng cho thành phố trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình dự án thí điểm ứng dụng công nghệ vật liệu mới nhằm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, kiến trúc xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Để triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số dự án quy hoạch, chương trình ưu tiên trọng điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh thích ứng biến đổi khí hậu, các giải pháp cần thực hiện như sau: Xây dựng đề án thí điểm Đề án xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí thiết kế hạ tầng kỹ thuật thông minh, hạ tầng xã hội tiên tiến, đánh giá chất lượng các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế công trình trong đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố, áp dụng cho thành phố Thủ Đức; Phân tích đánh giá rủi ro, ngập nước tại khu vực phía Nam Thành phố và đề xuất các giải pháp thích ứng;
Phối hợp với Ngân hàng Thế giới để nghiên cứu về phát triển đô thị và biến đổi khí hậu. Trong đó, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã chọn Công viên Tam Phú, thành phố Thủ Đức tại TP.HCM để nghiên cứu điển hình về Đánh giá lợi ích các giải pháp vào thiên nhiên trong quản lý tổng hợp ngập đô thị.
Phối hợp với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường quản lý các khu đất, diện tích mặt nước, hệ thống sông, kênh, rạch theo đúng các quy hoạch, điều lệ quản lý quy hoạch đã được phê duyệt và các quy định hiện hành nhằm phục vụ cho công tác thoát nước và chống ngập của Thành phố, đồng thời rà soát, kiến nghị điều chỉnh các đồ án quy hoạch để phù hợp với định hướng mới về phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để triển khai nhiệm vụ “Thực hiện các dự án nâng cấp và phát triển đô thị tại các đô thị được cảnh báo rủi ro cao bởi tác động của biến đổi khí hậu”, các giải pháp cần thực hiện: Cập nhật nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu vào Chương trình phát triển đô thị của Thành phố, nhằm xây dựng cơ sở thực hiện các dự án nâng cấp, phát triển đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Để triển khai nhiệm vụ “Chương trình, dự án liên quan đến thoát nước và chống ngập, đặc biệt quan tâm đến vùng chịu ảnh hưởng của nước biển dâng và thường xuyên xảy ra lũ lụt”: Triển khai Đề án chống ngập và xử lý nước thải Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 -2030 (đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 25/01/ 2021).
Quy hoạch chung của thành phố hướng tới phát triển không gian đô thị thích ứng cao với biến đổi khí hậu
Theo Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 thành phố sẽ phát triển không gian đô thị phù hợp với chiến lược, mô hình phát triển kinh tế biển của thành phố và vùng thành phố, thích ứng biến đổi khí hậu, ngập úng, triều cường, xâm nhập mặn, nước biển dâng.
Trên cơ sở đó, TP.HCM sẽ điều chỉnh định hướng phát triển không gian đô thị phù hợp với đặc thù của điều kiện địa hình, địa chất thủy văn và năng lực của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại từng khu vực phát triển; phát triển bền vững về môi trường sinh thái, bảo vệ những cấu trúc sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tính chống chịu và khả năng phục hồi trước những tác động biến đổi.
Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, TP.HCM cần đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng quá tải và kết nối thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn thành phố và vùng thành phố, đặc biệt về hạ tầng giao thông; giảm thiểu tác động của các vấn đề môi trường đô thị. Đồng thời, đánh giá về địa hình, các tai biến địa chất, xác định khu vực cấm xây dựng, hạn chế xây dựng; xác định lưu vực, phân lưu và hướng thoát nước chính; vị trí, quy mô các công trình tiêu thoát nước; xác định cốt xây dựng cho các đô thị và các vùng chức năng khác trong thành phố;
TP.HCM phải xác định trữ lượng, nhu cầu và nguồn cung cấp nước, năng lượng; tổng lượng nước thải, rác thải; vị trí, quy mô, công suất các công trình đầu mối và các tuyến truyền tải, phân phối của hệ thống cấp nước, năng lượng, chiếu sáng, thông tin liên lạc, thoát nước; vị trí, quy mô khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang và các công trình khác cho các đô thị và các vùng chức năng khác của thành phố.
Đối với định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho khu vực đô thị trung tâm, TP.HCM sẽ đề xuất định hướng cải tạo cao độ nền và thoát nước mặt toàn đô thị. Trong đó xem xét đến tác động kép của hiện tượng sụt lún nền đất và biến đổi khí hậu. Đề xuất các giải pháp san lấp tạo mặt bằng xây dựng, tăng diện tích mặt thấm và tăng khả năng trữ nước trước khi xả ra nguồn thoát.
TP.HCM sẽ phân lưu vực thoát nước, xác định hệ thống thoát nước mưa hợp lý và tách riêng với hệ thống thoát nước thải, xác định cao độ nền xây dựng cho các khu vực theo lưu vực thoát nước, đảm bảo kiểm soát ngập úng do mưa, triều cường và đảm bảo tiêu thoát lũ; thống nhất, đồng bộ với quy hoạch thủy lợi chống ngập úng (phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng thành phố). Trong đó, TP.HCM cần có định hướng, giải pháp quy hoạch hướng tới tái sử dụng nước thải và các yêu cầu về chất lượng nước đối với các loại nước thải sau khi xử lý.
Đức Hải
Bình luận