Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 13/04/2025 20:04
Thứ bảy, 12/04/2025 08:04
TMO – Một trong những nội dung được nêu rõ tại Công điện mới đây về thúc đẩy phát triển du lịch, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không, cảng biển, nhà ga phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là tại các địa phương trọng điểm đón khách du lịch thông qua việc hợp tác công – tư hoặc xã hội hóa.
Theo đó, tại Công điện trên, Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và quản lý tài nguyên du lịch. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh.
Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Phối hợp với bộ, ngành liên quan ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt; hướng dẫn và khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh.
(Ảnh minh họa)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường chỉ đạo việc kết nối hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường biển trong nước và quốc tế; đẩy mạnh thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không, cảng biển, nhà ga phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là tại các địa phương trọng điểm đón khách du lịch thông qua việc hợp tác công – tư hoặc xã hội hóa.
Chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường năng lực kết nối và dịch vụ thuận lợi tiếp cận các điểm đến du lịch với các trung tâm đầu mối đón khách du lịch. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý điểm đến, kiểm soát sức chứa tại khu, điểm du lịch và bảo vệ môi trường du lịch; đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch và môi trường điểm đến, xử lý nghiêm các vi phạm để tạo môi trường du lịch đồng bộ, an toàn, văn minh, thân thiện./.
Năm 2024, ngành du lịch đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, khách quốc tế đến bằng đường hàng không đạt hơn 14,8 triệu lượt người, chiếm 84,4%. Khách đến bằng đường bộ đạt gần 2,5 triệu lượt người, chiếm 14,2%. Khách đến bằng đường biển đạt gần 248,1 nghìn lượt người, chiếm 1,4%. Chỉ tính riêng tháng 12/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức cao nhất trong năm với khoảng 1,75 triệu lượt, bằng 102% so với tháng 11 và tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với Quý I năm 2024, góp phần khẳng định vị thế, sức hấp dẫn của Du lịch Việt Nam.
THIÊN LÝ
Bình luận