Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ hai, 15/05/2023 07:05
TMO - Xây dựng và phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải hơn 74 triệu tấn CO2 trong 3 lĩnh vực là tiêu thụ năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng, quá trình công nghiệp và công trình xây dựng (tòa nhà).
Theo ước tính, năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng chiếm gần 35% tổng năng lượng của các quốc gia. Kết quả khảo sát và đánh giá thực tế của của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC, thuộc Ngân hàng Thế giới) cho thấy: Các công trình xây dựng tuân thủ quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD (về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả) tiết kiệm được 15-35% năng lượng so với các công trình được thiết kế và xây dựng theo cách thông thường. Do đó, việc thúc đấy phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng là vô cùng cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các thành phố và các tòa nhà cũng chính là một nguồn phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Song nếu các thành phố và tòa nhà được xanh hóa với các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, thì chúng có thể đóng góp đáng kể vào ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Phát triển công trình xanh thông qua tích hợp các yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng trong thiết kế, xây dựng, nghiệm thu và vận hành tòa nhà… chỉ có thể thực hiện được với sự nâng cao nhận thức và năng lực của các chủ đầu tư công trình, nhà phát triển xây dựng, những người vận hành công trình, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và cán bộ nghiệm thu công trình.
Phát triển công trình xanh là một trong những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: TT.
Tại Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Scotland), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Việt Nam là một trong những nước đóng góp vào tỷ lệ 14% các nước tại Châu Á - Thái Bình Dương có cam kết mục tiêu này.
Thời gian qua, các cam kết đã và đang được hiện thực hóa trong nhiều chính sách như Chiến lược và Kế hoach hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; xây dựng đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; Đề án đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu…
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững… Các Bộ, ngành, địa phương đã và đang rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cũng như tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, công nghệ, nâng cao năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại COP26.
Ngành Xây dựng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực của ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, giảm tiêu thụ năng lượng trong những công trình xây dựng… Thúc đẩy việc phát triển công trình xanh là một giải pháp quan trọng nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính mà Bộ Xây dựng đang tập trung thực hiện.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”…Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, đã kéo theo những áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng.
Ngành Xây dựng chú trọng đến sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng...
Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2025, ngành Xây dựng sẽ ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá khu đô thị xanh hay khu đô thị phát thải carbon thấp; Ban hành tiêu chuẩn sản phẩm vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu xây dựng xanh, vật liệu xây dựng tái chế từ chất thải rắn xây dựng; Ban hành tiêu chí và quy trình đánh giá công nhận công trình xây dựng phát thải carbon thấp trong xây dựng và quản lý công trình.
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đô thị loại III trở lên lồng ghép nội dung thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vào quy hoạch đô thị; Ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí đô thị xanh, carbon thấp; 25% vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh; Giảm ít nhất 25% phát thải khí nhà kính trong đầu tư, vận hành nhà ở chung cư; 100% công trình mới và công trình sửa chữa, cải tạo tuân thủ QCVN 09:2017/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả).
Giai đoạn từ 2030 - 2050, Việt Nam đặt mục tiêu 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch lồng ghép thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; Ít nhất 50% khu đô thị mới, 10% khu đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải carbon thấp; 100% công trình mới kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải; trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí xanh; 100% toà nhà thương mại, chung cư được chứng nhận carbon thấp.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Xây dựng tính đến hết năm 2022 mới chỉ có 233 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu mét vuông sàn xây dựng đạt tiêu chí công trình xanh - con số khiêm tốn so với số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua.
Trong khi đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia đứng đầu về mức độ chịu rủi ro lớn nhất của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới. Nếu mực nước biển dâng lên 1m thì Việt Nam sẽ mất 12% đất sử dụng – nơi cư trú của 23% dân số. Bên cạnh đó, trong 10 năm trở lại đây, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng với tốc độ nhanh hơn tăng GDP, bình quân đạt khoảng từ 7 -10%/năm. Các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm một phần ba tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu (IFC, 2015).
Theo mục tiêu đến năm 2030 mà Nghị quyết số 06/NQ-TW đặt ra: Tỷ lệ đô thị hóa trên 50%, diện tích m2 sàn nhà ở/01 người dân đô thị đạt 32 m2 (hiện nay khoảng 25 m2). Do đó, những năm tới ngành Xây dựng có nhiệm vụ nặng nề và trách nhiệm lớn đảm bảo nhu cầu ở cho người dân, đảm bảo cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế, đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực được Chính phủ giao.
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, tại Phụ lục I về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, các lĩnh vực do Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tđ, bao gồm: Các quá trình công nghiệp (sản xuất vật liệu xây dựng); Tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng; Tòa nhà. Dự kiến năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính được Chính phủ giao trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
Để đạt được cam kết đặt ra về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự tham gia tích cực và sự phối hợp toàn diện giữa chủ đầu tư, nhà phát triển cũng như ban quản lý, khách thuê. Xây dựng và phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu mà Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam. Tại các thị trường bất động sản của các nước phát triển, có nhiều hệ thống đánh giá tiêu chuẩn công trình xanh đang được áp dụng như Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ),... Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có hệ thống đánh nào được cơ quan quản lý Nhà nước chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý “Công trình xanh".
Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về công trình xanh tại Việt Nam để chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và thi công có nhận thức đầy đủ về các bộ tiêu chí áp dụng. Bên cạnh đó, để có thể cấp chứng nhận cho công trình xanh phải có con số, định lượng hóa cụ thể các tiêu chí đưa ra. Tránh hiện tượng mượn nhãn dự án BĐS xanh để gia tăng khả năng thu hút, xoay vòng vốn và mở rộng diện khách hàng.
Đồng thời, để thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, hướng tới mục tiêu loại bỏ phát thải ròng trong tương lai, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ công trình đạt tiêu chí xanh. Thay việc bỏ tiền đầu tư nhà máy điện, nhập khẩu than... để tăng sản lượng điện bằng cách tiết kiệm điện, hỗ trợ cho các chủ đầu tư công trình xanh thông qua các gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ tư vấn đầu tư, thiết kế...
Nguyễn Minh
Bình luận