Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ năm, 09/05/2024 08:05
TMO - Những năm qua, trong quá trình xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch khác, thành phố Đà Nẵng đã chú trọng dành quỹ đất nhất định để phát triển hệ thống cây xanh. Tuy nhiên, mật độ cây xanh của Đà Nẵng/bình quân trên đầu người vẫn còn thấp.
Đà Nẵng là thành phố có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, đến nay dân số của thành phố có khoảng 1,134 triệu người. Tuy nhiên, mật độ cây xanh của Đà Nẵng/đầu người vẫn còn thấp (hiện nay khoảng 7,51m2/người và cây xanh đô thị theo quy hoạch giai đoạn 2030-2045 vào khoảng 8,9m2/người). Tạo không gian xanh là một trong những tiêu chí quan trọng trong điều chỉnh quy hoạch chung của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, quỹ đất, mật độ cây xanh đóng vai trò quan trọng, góp phần cải thiện môi trường sống và cảnh quan đô thị.
Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã quy hoạch bổ sung hơn 22ha đất trồng cây xanh, yêu cầu chủ đầu tư công trình bảo đảm bố trí đủ diện tích cây xanh sử dụng công cộng theo tỷ lệ 1/500. Bên cạnh đó, việc triển khai đề án xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị đã huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển cây xanh, hỗ trợ các đơn vị quản lý thực hiện tốt công tác duy trì cây xanh trong điều kiện nhân lực, thiết bị còn hạn chế. Xã hội hóa cây xanh cũng giúp thành phố giảm bớt một phần ngân sách chi cho các hoạt động công ích, vì môi trường...
Mật độ cây xanh của Đà Nẵng/bình quân trên đầu người vẫn còn thấp. Ảnh: ĐL.
Báo cáo của Sở Xây dựng thành phố cho biết, trong khoảng 20 năm qua (từ năm 2005 đến nay), trên địa bàn thành phố đã đầu tư trồng mới khoảng 100.000 cây xanh bóng mát tại các dự án phát triển đô thị, đầu tư xây dựng công trình công cộng. Phần lớn các loài cây xanh thuộc nhóm cây xanh khuyến khích trồng đã khẳng định được sự thích nghi tốt, chống chịu qua nhiều mùa gió bão, góp phần tạo cảnh quan đẹp cho thành phố và sự bền vững của hệ thống cây xanh đô thị.
Điểm nhấn lớn nhất của cây xanh đô thị Đà Nẵng là hệ thống cây xanh đường phố được đầu tư đồng bộ với hạ tầng giao thông tạo nên những tuyến xanh đẹp, ấn tượng (Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh - Võ Văn Kiệt, Lê Duẩn Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thanh - 3 Tháng 2 - Trần Phú, Xô Viết Nghệ Tĩnh Hồ Xuân Hương, Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa...); các tuyến ven sông, ven biển được thiết kế cảnh quan đa dạng (tuyến đường Như Nguyệt-Bạch Đằng-Thăng Long, dải công viên Bạch Đằng Đông-Trần Hưng Đạo-Chương Dương, Công viên Biển Đông - tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, đường Nguyễn Tất Thành); mảng xanh lớn tại các khu vực đầu cầu qua sông Hàn được chú trọng, tạo thành, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên những điểm nhấn cảnh quan ấn tượng, tăng thêm vẻ đẹp cho diện mạo đô thị Đà Nẵng như nút phía Tây cầu Thuận Phước, hai đầu cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Trỗi.
Bên cạnh 10 công viên công cộng cấp đô thị với bán kính phục vụ lớn, thì cũng đã có hơn 100 khu vườn hoa, vườn dạo tại các khu dân cư đã được đầu tư trên địa bàn thành phố, góp phần quan trọng trong việc xanh hóa và cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân đô thị. Tuy nhiên, một số loài cây thuộc khuyến khích trồng cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, hạn chế và đã dần được điều chỉnh, thay thế trong quá trình chỉnh trang đô thị như: Phượng vỹ, Sữa, Sò đo cam, Osaka đỏ, Xà cừ... Một số loài cây được dẫn giống từ rừng về trồng tại một số tuyến đường bước đầu cho thấy phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại thành phố.
Theo Đề án của Chính phủ "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025" đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỳ cây xanh, trong đó có 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện đề án này với mục tiêu đến hết năm 2025 toàn thành phố trồng được 5.017.000 cây xanh tập trung và phân tán các loại.
Thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao tỷ lệ cây xanh đô thị trên địa bàn.
Thành phố đặt chỉ tiêu trồng 163.000 cây xanh (tương đương khoảng 260,8ha) tại khu vực đô thị; trồng 1.850.000 cây xanh (tương đương 740ha) tại khu vực nông thôn; trồng 3.004.000 cây (tương đương 2.140ha) rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất tập trung (không bao gồm diện tích trồng rừng thay thế). Để hoàn thành mục tiêu trên, thành phố Đà Nẵng cần ban hành các quy định công tác quản lý, phát triển cây xanh; Đẩy mạnh công tác phân cấp và thống nhất quản lý của các đơn vị; Hoàn thiện các quy định trồng, quản lý, duy tu, đẩy mạnh khuyến khích đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách.
Đồng thời, lựa chọn cây phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, phân loại cây xanh công cộng, cây xanh hạn chế, cây xanh chuyên dụng; trong thời kỳ công nghiệp lần thứ 4 cần đưa ngay ứng dụng phần mềm, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa một hay nhiều khâu trong công tác quản lý cây xanh đô thị góp phần giải phóng sức lao động con người, nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cây xanh đô thị, tăng khả năng lưu trữ và xử lý thông tin mang tính tích hợp cao và mang tính liên ngành trong công tác quản lý đô thị.
Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa và phát triển nhanh chóng. Tốc độ đô thị hóa đã tăng lên từ 30,5% năm 2010 tới hơn 42,6% vào năm 2023 và vẫn đang trong xu hướng tăng. Mục tiêu đạt tối thiểu 45% vào năm 2025, trên 50% đến năm 2030. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến đầu năm 2024, cả nước có 902 đô thị, trong đó có hai đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị. Mỗi năm, ước tính các đô thị Việt Nam có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, thay đổi sự phân bố dân cư.
Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, diễn ra không đồng đều giữa các vùng miền, tạo ra nhiều thách thức lớn. Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng thiếu tính đồng bộ khiến tình trạng đô thị hóa diễn ra tự phát, không có quy hoạch nên thiếu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, mất cảnh quan. Điều này tác động tiêu cực tới môi trường sống của người dân. Một số tỉnh, thành phố liên tục đứng top đầu về ô nhiễm không khí, khiến người dân ngày càng thiếu không gian xanh, nhất là là thế hệ trẻ với điều kiện sống và có ý thức hơn về giá bị bền vững. Song, những không gian xanh, mặt nước đang ngày càng thu hẹp và vắng bóng trong môi trường đô thị Việt Nam.
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tỷ lệ diện tích cây xanh hiện nay trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 - 25 m2/người. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới... Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8 - 10 m2/người.
Thùy Minh
Bình luận