Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 14:11
Thứ ba, 28/02/2023 11:02
TMO – Dừa được xếp hàng thứ tư trong các cây công nghiệp lâu năm với diện tích trồng lớn, sau cao su, hồ tiêu, điều. Năm 2022, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 900 triệu USD các sản phẩm từ dừa.
Cả nước hiện có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu "Made in Vietnam". Hiện nay ngành dừa không đơn thuần là những doanh nghiệp chuyên sản xuất về dừa mà còn có nhiều doanh nghiệp khai thác nguyên liệu từ dừa như sản xuất thực phẩm, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y tế.
Đối với dừa trái nguyên liệu, trong bối cảnh sức mua thị trường thế giới giảm, từ cuối năm 2022, giá nguyên liệu dừa trong nước cũng giảm theo. Việc này ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng dừa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dừa trái ở các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ vẫn giữ được giá tốt, thậm chí trong quý I/2023 có xu hướng tăng. Do đó, cần triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bền vững để người nông dân trồng dừa được hưởng giá nguyên liệu minh bạch, nâng cao giá trị của dừa trái và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dừa Việt trên thị trường thế giới.
(Ảnh minh hoạ)
Theo một số doanh nghiệp về dừa, tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm từ trái dừa còn rất lớn, hai vùng nguyên liệu chính tại Bến Tre và Tiền Giang cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Tuy nhiên, mùa xâm nhập mặn hằng năm ở đồng bằng sông Cửu Long đang làm giảm năng suất và sản lượng, gây thiếu hụt nguyên liệu dừa trái phục vụ chế biến xuất khẩu. Do đó, bên cạnh chương trình xây dựng các vùng trồng bền vững, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa dành nguồn lực nghiên cứu phát triển phôi dừa chống chịu được hạn mặn và chính sách hỗ trợ phân bón cho người nông dân trồng dừa giảm chi phí đầu vào.
Theo thống kê, hiện các doanh nghiệp đã phát triển được gần 90 sản phẩm và khoảng 200 loại thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ cây dừa. Trong đó, sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ lĩnh vực y tế đang có giá trị cao nhất nhưng số doanh nghiệp chế biến được sản phẩm này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với định hướng phát triển chuỗi giá trị bền vững từ vùng trồng, đầu tư công nghệ chế biến sâu thì đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ dừa của Việt Nam hoàn toàn có thể vượt con số 1 tỷ USD.
Dừa chủ yếu được trồng tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh khu vực diên hải miền Trung. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 80% diện tích dừa cả nước với diện tích khoảng 130.000 ha. Các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn là: Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long...Theo đánh giá của các chuyên gia, cây dừa nằm trong nhóm cây trồng chống chịu tốt với mặn, với nồng độ từ 5-6 phần nghìn. Ngoài ra, cây dừa còn chịu được ngập úng và hấp thụ một lượng đáng kể khí CO2. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi cho việc phát triển bền vững cây dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Phương Điền
Bình luận