Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ sáu, 01/04/2022 21:04
TMO - Quá trình đô thị hóa cùng sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số khiến lượng rác thải tại Việt Nam không ngừng tăng cao mỗi ngày. Điều này đã tạo ra sức ép lớn đối với công tác thu gom và xử lý rác thải tại hầu hết các địa phương.
Năm thành phố lớn tại Việt Nam, tuy chỉ chiếm 35% dân số cả nước nhưng lượng chất thải rắn chiếm đến 70% tổng lượng rác thải toàn quốc. Đáng chú ý, 60-70% lượng rác này là rác hữu cơ và đang là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí xử lý và góp phần khan hiếm đất đai.
Khối lượng rác thải ngày càng tăng tạo ra sức ép lớn đối với công tác thu gom và xử lý rác thải
Tại Hà Nội, khoảng 70 - 80% các chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hà Nội sau khi thu gom được vận chuyển đến bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) để chôn lấp. Hiện nay, bãi rác có tổng diện tích khoảng 84 ha đang quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng. Việc đốt và chôn lấp rác cũng phát thải các khí metan, carbondioxide, nitơ... gây ô nhiễm không khí. Ngoài ra, nước rỉ rác tại các bãi chôn lấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất khi chứa hàm lượng các chất hữu cơ, nitơ, lưu huỳnh cao.
Sau khi thu gom, rác thải chủ yếu được xử lý bằng cách chôn lấp (khoảng 63%, quá tải, không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm), đốt (khoảng 14%, gây ô nhiễm không khí) và tái chế một phần nhỏ (10%).
Để giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường, từ đầu năm 2021, huyện Đông Anh đã bắt đầu triển khai chương trình “Thu gom, phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình”. Theo đó, rác thải sinh hoạt sẽ được phân loại thành 3 loại: rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại. Sau phân loại, rác hữu cơ được tái sử dụng cho các mục đích như: làm thức ăn cho gia súc, ủ phân bón cho cây trồng… Trong khi đó, rác tái chế được thu gom riêng và bán cho hệ thống đồng nát.
Các hộ dân tại huyện Đông Anh thực hiện phân loại, xử lý rác ngay tại nhà, góp phần giảm thiểu áp lực cho công tác thu gom, xử lý rác
Tính đến ngày 30/3/2022 trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 23 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó có 3 xã đã triển khai 100% các thôn trong xã (Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng), 20 xã và thị trấn còn lại (mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm). Đến hết tháng 2/2022 có 7.621 người tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ. Số hộ tham gia đăng ký tăng 146,81% so với giai đoạn ban đầu (5.191 người).
Theo báo cuối năm 2021 của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh: Năm 2021, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là 227 tấn/ngày; trong khi đó, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2020 là 239 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày (do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình).
Các hộ dân xã Dục Tú, huyện Đông Anh (Hà Nội) thực hiện ủ rác ngay tại vườn, tạo thành phân bón an toàn cho cây trồng
Theo kết quả kiểm kê từ hộ gia đình, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 – 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Khi tiến hành kiểm kê rác 9 xã tại huyện Đông Anh (với 309 hộ gia đình), thì lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ là 59%, rác tái chế thu gom cho ve chai 12%, và rác còn lại để đổ rác là 29%.
Với sự đồng hành của Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp và sự vào cuộc nghiêm túc của người dân, đến nay, sau 2 năm thực hiện, Đông Anh đã hình thành một mô hình phân loại điểm với việc 100% các hộ dân của 28/28 xã thực hiện phân loại rác, thực hiện chế ủ rác hữu cơ thành phân bón ruộng và tự kiểm toán rác khi giao nộp cho đơn vị thu gom. Tới đây, Đông Anh đề ra mục tiêu sẽ giảm 50% khối lượng rác sinh hoạt.
Hồng Thắm
Bình luận