Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 15:11
Thứ sáu, 08/07/2022 09:07
TMO - Các địa phương đã thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác công trình liên tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ quản lý, khai thác ở một số công trình, đơn vị khai thác của địa phương chưa thực hiện nghiêm túc dẫn tới hiệu quả công trình chưa đạt yêu cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký ban hành Thông tư 03/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi ngày 16/6/2022. Theo Thông tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý hoặc phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 2 tỉnh trở lên.
Hệ thống mương dẫn nước
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh việc phân cấp quản lý công trình thủy lợi nêu trên thuộc một trong các trường hợp: Công trình hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng được phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý; Xảy ra sự cố ảnh hưởng đến an toàn công trình và vùng hạ du thuộc nguyên nhân chủ quan của chủ quản lý hoặc đơn vị khai thác công trình; Trong 2 năm liên tiếp, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi được chủ sở hữu xếp loại C theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc đơn vị, tổ chức khai thác được cơ quan có thẩm quyền đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo hướng dẫn của Đảng hoặc Chính quyền; Để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong thực hiện các quy định về cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công trình thủy lợi liên tỉnh hầu hết do địa phương quản lý. Thực tế hiện nay, đa số các địa phương đã thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác công trình liên tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có một số nhiệm vụ quản lý, khai thác ở một số công trình, đơn vị khai thác của địa phương chưa thực hiện nghiêm túc dẫn tới hiệu quả công trình chưa đạt yêu cầu. Thậm chí có nơi gây ảnh hưởng rất lớn tới công tác vận hành, bảo đảm an ninh, an toàn công trình.
Việc phân cấp quản lý công trình liên tỉnh hiện nay đang giữ nguyên hiện trạng, ổn định cho cả Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, cũng cần thiết có các quy định đối với những trường hợp đặc biệt để thực sự phát huy năng lực, hiệu quả quản lý, khai thác công trình.
Về phân công trách nhiệm quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung quy định phân công trách nhiệm trong quản lý công trình thủy lợi được phân cấp cụ thể như sau: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, sắp xếp đưa vào danh mục đầu tư sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hoá các công trình đã phân cấp địa phương quản lý trong kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về thủy lợi; tổ chức quan trắc, giám sát, dự báo nguồn nước, chất lượng nước phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, vận hành công trình thủy lợi; tổ chức rà soát, phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ công trình thủy lợi; hướng dẫn, kiểm tra thực hiện pháp luật về thủy lợi.
UBND cấp tỉnh thực hiện trách nhiệm chủ sở hữu đối với công trình thủy lợi được phân cấp theo quy định của pháp luật; chỉ đạo chủ quản lý công trình thủy lợi, đơn vị khai thác công trình thủy lợi của địa phương thực hiện công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi và pháp luật liên quan; báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc khi xảy ra sai phạm trong công tác quản lý, khai thác và bảo đảm an toàn công trình.
Thảo Phương
Bình luận