Hotline: 0941068156

Chủ nhật, 17/11/2024 04:11

Tin nóng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Theo dõi sát diễn biến của bão Trà Mi

Phấn đấu tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030 bình quân khoảng 7,5-8,5%

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường giữ chức Chủ tịch nước

Hải Hà (Quảng Ninh): 2 đa cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Diện tích rừng bị thiệt hại trong 9 tháng của năm 2024 giảm 9,3%

Dừng tiếp nhận tác phẩm tham gia Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Chủ nhật, 17/11/2024

Ổn định đời sống kinh tế nhờ trồng cau

Thứ tư, 13/11/2024 06:11

TMO - Những năm gần đây, nghề trồng cau, chế biến cau của người dân xã Hải Đường, huyện ven biển Hải Hậu (tỉnh Nam Định) phát triển mạnh đã mang lại nguồn thu ổn định cho nhân dân. Nhờ đó đời sống tinh thần, vật chất của người dân địa phương cũng được nâng cao rõ rệt.

Xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định được nhiều người biết đến bởi nghề thu gom và sấy cau khô, nghề này đã giúp cho cuộc sống của người dân nơi này từng bước được cải thiện. Nghề trồng cau vườn ở đây rất phát triển do cau là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với chất đất nơi đây và đặc biệt không tốn chi phí chăm sóc, lại cho năng suất rất cao.

Thông tin từ Đại diện Hội nông dân xã  Hải Đường cho biết, toàn xã có 100ha trồng cau và 20 xưởng sơ chế cau xuất khẩu với công suất hàng trăm tấn/xưởng. Với giá cau tươi khoảng 80 nghìn đồng/kg và khoảng 300 nghìn đồng/kg cau khô, mỗi lò sấy đã đạt doanh thu từ 1 đến cả chục tỷ đồng/năm.

Mùa thu hoạch năm nay, bà con nông dân xã Hải Đường, địa phương truyền thống trồng cau  rất vui vì hàng được giá. Nếu như năm trước, giá cau chỉ dao động 20.000-25.000 đồng/kg, thì nay mức 80.000-90.000 đồng/kg cau tươi vẫn dễ bán. Theo chia sẻ từ một số người dân, nếu như năm trước, một hộ trồng cau cả vụ thu hoạch chỉ được 40 triệu đồng thì năm nay phải thu về 400 triệu đồng, gấp 10 lần.

Trước kia, người dân Hải Đường trồng cau chỉ để lấy quả phục vụ nhu cầu sử dụng đời thường, tập quán ăn trầu, phục vụ lễ hỏi, đám cưới, lễ hội truyền thống trong vùng và trồng cây lấy bóng mát, xanh không gian làng xã. Với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp nên cây cau tại đây phát triển tốt, sai quả, dáng đẹp, ngọt mềm, đậm vị.

Do đó, cau Hải Đường nhanh chóng được các vùng như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… biết đến tin tưởng và đánh giá đứng đầu khu vực miền Bắc... Giá trị kinh tế của cây cau cũng vì thế mà đạt hiệu quả cao hơn các cây trồng khác, dần trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương. Trung bình một năm, mỗi cây cau cho thu nhập từ 300-500 nghìn đồng; cây nào cho buồng đẹp được dùng trong các dịp cưới xin, lễ lạt có thể đem về thu nhập vài triệu đồng/năm.

Người dân xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã gắn bó với nghề trồng cau từ hàng chục năm nay. 

Do đó, ở Hải Đường nhà trồng ít cũng trên dưới chục cây, nhà trồng nhiều lên đến hàng trăm, hàng nghìn cây. Nghề trồng cau của địa phương ngày càng phát triển theo hướng thâm canh với kỹ thuật ngày càng cao; không chỉ cau đúng vụ, người dân còn lách thời vụ cho ra quả cau suốt quanh năm.

Cách làm này đã giúp người dân có cau tươi cung ứng quanh năm, giá bán cũng hơn hẳn cau đúng vụ. Khi đã có thương hiệu, cùng với trồng để bán quả, nhiều hộ có kinh nghiệm còn ươm cây giống để bán cho người dân địa phương và các tỉnh lân cận, tối đa hóa thu nhập từ cây cau. Bên cạnh đó, các xưởng tư nhân hiện đã từng bước liên kết thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh cây giống, dịch vụ nông nghiệp để hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất cau giống, thu hoạch và sơ chế cau.

Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây cau ở Hải Đường, người dân đã đầu tư lò sấy cau non sơ chế làm nguyên liệu để sản xuất kẹo cau cung ứng sang thị trường các nước trong khu vực như Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và một số nước châu Âu.

Theo đó, vào chính vụ từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch hàng năm cau non sau khi thu hái được hấp làm chín để giữ nguyên dưỡng chất, loại bỏ ký sinh trùng rồi mới sấy khô, xuất bán. Nếu chế biến theo phương pháp thủ công, sấy bằng than củi, than tổ ong bình thường một mẻ cau non phải mất 5 ngày mới cho ra lò khoảng 10 tấn cau khô; nhưng hiện tại sấy theo công nghệ mới bằng lò hơi thì chỉ mất 3 ngày với sản lượng 20 tấn cau khô.

Theo phân tích của các thương lái, cau sấy bằng nhiệt theo công nghệ mới đạt cao hơn so với sấy thủ công và đảm bảo chất lượng sạch, an toàn. Ngược lại, sản xuất theo phương pháp thủ công qua lửa và khói than nhiều độc tố, tỷ lệ thành phẩm cau sấy khô đạt thấp hơn.

Cau sấy bằng nhiệt theo công nghệ mới có chất lượng cao hơn so với sấy thủ công, tỷ lệ hao hụt thấp và đảm bảo an toàn, sạch, mẫu mã đẹp. Cau sấy khô của các cơ sở sản xuất được xuất bán sang Trung Quốc để bào chế thành thuốc dùng trong y học cổ truyền, ngày nay còn được chế biến thành kẹo cau dùng cho những nơi có khí hậu lạnh. Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất, cau sau khi được sấy khô được làm thành kẹo. Loại kẹo này ăn có vị ngọt ngọt, the the như kẹo gừng, có công dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể nên rất được ưa chuộng.

Các xưởng chế biến sơ chế cau nguyên liệu.

Hiện nguồn cung tại chỗ không đủ cầu, đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Người dân Hải Đường phải đi mua gom cau ở các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Thanh Hóa… về sơ chế. Thậm chí, nhiều người dân xã Hải Đường còn đi vào các tỉnh miền Trung, miền Nam nơi có nguồn nguyên liệu cau tươi dồi dào để đầu tư xưởng chế biến sấy cau tại chỗ, đón mùa cau sớm vào độ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm.

Trước nguồn doanh thu ổn định từ cau mang lại, một số người dân địa phương đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để chế biến cau. Một số người dân còn sử dụng lò sấy cau để nâng cao năng suất sản xuất. Bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân quanh vùng với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Được biết, cau sấy bằng nhiệt theo công nghệ mới cứ 5 tấn cau tươi sẽ được 1 tấn cau khô. Giá bán vì vậy cũng cao hơn nhiều, từ 250-300 nghìn đồng/kg cau khô.

Hiện tại ở Hải Đường mùa cau đang đến kỳ thu hoạch đại trà, không khí thu hái, mua bán nhộn nhịp ở ngay các vườn, rặng cau. Nhiều thương lái từ Trung Quốc sang đặt hàng cau sấy khô tận các xưởng. Tuy vậy, nghề trồng cau và chế biến cau xuất khẩu ở Hải Đường đang trên đà phát triển nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn.

Đó là thị trường xuất khẩu chưa ổn định, sản phẩm cau sấy chỉ xuất khẩu tiểu ngạch nên giá, sản lượng tiêu thụ lệ thuộc lớn vào thương lái nước ngoài, dẫn đến thị trường và giá bấp bênh, dễ bị ép giá. Các mối xuất hàng của người dân đều theo hình thức thỏa thuận miệng, dẫn đến nguy cơ thua thiệt nếu xảy ra tranh chấp.

Khoảng 20 năm trở lại đây nghề trồng cau thương mại ở Hải Đường phát triển mạnh mẽ, diện tích trồng cau tăng lên trông thấy, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình. Cây cau không chỉ mang lại việc làm, thu nhập đáng kể cho người dân địa phương mà còn góp phần quan trọng trong việc tạo cảnh quan làng xóm, góp phần xây dựng xã Hải Đường thành điển hình trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định nói riêng và cả nước nói chung. Trong giai đoạn tiếp theo, xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, đồng thời tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa và xây dựng các làng nghề truyền thống nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

 

Đức Hiệp

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline