Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Chủ nhật, 12/06/2022 05:06
TMO - Biến đổi khí hậu với sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển tại tỉnh Thanh Hóa. Nhằm thích ứng trong quá trình phát triển, địa phương này đã đề ra nhiều giải pháp kết hợp triển khai các mô hình nuôi trồng hiệu quả.
Vùng triều tỉnh Thanh Hóa có khoảng 8.000 ha mặt nước trải dài trên địa bàn các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn. Để phát huy tiềm năng, lợi thế vùng triều, các địa phương ven biển đã khai thác, phát triển nhanh cả về diện tích và sản lượng trong nuôi trồng thủy sản.
Nhiều diện tích nuôi trồng được đầu tư mở rộng diện tích, chuyển từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh với các đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, ngao... Đến nay, diện tích vùng triều đã đưa vào nuôi trồng thủy sản đạt 5.354 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm 4.084 ha; diện tích nuôi ngao, cá biển 1.270 ha.
Nhiều diện tích nuôi ngao tại bãi triều chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu
Tuy nhiên, do những yếu tố bất thường của thời tiết, chủ yếu là thời tiết nắng nóng kéo dài, diễn biến thời tiết bất thường làm biến động các yếu tố môi trường gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Trong năm 2021, ở các địa phương ven biển liên tiếp xảy ra tình trạng cá, tôm và ngao nuôi chết. Trong những tháng đầu năm 2022, tại các xã Hải Lộc và Đa Lộc (Hậu Lộc) đã xảy ra hiện tượng ngao nuôi của 176 hộ nuôi, tổng diện tích 350 ha ngao bị chết, với tỷ lệ chết từ 5 - 30%.
Trước diễn biến của biến đổi khí hậu trong thời gian tới, nhất là sự gia tăng nhiệt độ và mưa sẽ tác động lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các địa phương ven biển của tỉnh, ngoài ra nắng nóng cùng với độ mặn tăng cao làm các loại cây cỏ thủy sinh trong ao nuôi bị chết và phân hủy nhanh. Đây là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, kéo theo sự biến đổi về độ trong, đục của nước trong ao.
Những yếu tố môi trường nuôi càng thay đổi giảm đột ngột hơn khi xuất hiện những trận mưa trái vụ hay những cơn mưa đầu mùa. Nước mưa cuốn trôi phèn từ bờ xuống ao nuôi làm PH giảm thấp, nhiệt độ thay đổi đột ngột, dẫn đến hiện tượng các đối tượng nuôi trồng thủy sản chết do bị sốc nhiệt hoặc yếu đi, mất khả năng đề kháng, dễ mắc bệnh.
Các hộ nuôi trồng triển khai nhiều giải pháp nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết
Trước thực trạng trên, để ứng phó với biến đổi khí hậu, các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn đã ứng dụng công nghệ nuôi tôm tuần hoàn tiết kiệm nước, công nghệ nuôi tôm Biofloc, nuôi tôm tuần hoàn khép kín, nuôi tôm trong nhà kính; nuôi tôm trong nhà bạt vụ đông, nuôi cá biển bằng lồng lưới nổi hoàn toàn kiểu trọng lực làm bằng chất dẻo do Na Uy sản xuất...
Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện đa dạng sản xuất, đưa các loài giống có khả năng chịu mặn và hạn phù hợp vào nuôi trồng. Quy hoạch vùng nuôi phù hợp cũng có thể tránh được hiện tượng hạn hán kéo dài, mưa lũ, nước biển dâng, nồng độ muối trong ao nuôi tăng hoặc giảm quá mức. Gia cố ao đầm nuôi tại khu vực ven biển trong giới hạn có thể. Nâng cấp các công trình thủy lợi, trồng và bảo vệ rừng ngặp mặn, khôi phục hệ sinh thái ở vùng cửa sông, ven biển.
Cùng với việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng, tỉnh Thanh Hóa còn triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng linh hoạt với điều kiện thời tiết. Trong đó, mô hình kết hợp nuôi trồng thủy sản với trồng lúa đang được đẩy mạnh triển khai. Toàn tỉnh hiện đã chuyển đổi được 3.820,5 ha đất trồng 1 vụ lúa nằm trong khu vực sâu trũng sang trồng lúa kết hợp với nuôi cá và một số loại thủy sản khác.
Hiện nay, mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao trong nhà mái che đang được các địa phương trong tỉnh ứng dụng và khuyến khích phát triển. Mô hình này chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, sử dụng nhà mái che. Ngoài ra, các mô hình nuôi trồng thủy sản - rừng ngập mặn, nuôi nhuyễn thể, nuôi thủy sản trong hệ thống tuần hoàn, nuôi thủy sản 2 giai đoạn... cũng được các địa phương ven biển của tỉnh thực hiện.
Việc xây dựng các giải pháp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản ven biển có thể là các giải pháp kỹ thuật cải tiến, giảm sử dụng hóa chất, thức ăn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến việc giám sát và quản lý môi trường ao nuôi, thay thế nguồn năng lượng sử dụng trong ao nuôi để thân thiện với môi trường. Quản lý hoạt động sản xuất theo liên kết chuỗi để tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực của cộng đồng về thông tin thị trường, quản lý rủi ro thiên tai và nhận thức về biến đổi khí hậu cho cộng đồng.
Hải Đăng
Bình luận