Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ bảy, 05/11/2022 12:11
TMO - Nuôi biển trong năm 2023 phấn đấu đạt diện tích 90.000 ha (chưa tính diện tích nuôi xen ghép) và 9,5 triệu m3 lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển phấn đấu đạt 850.000 tấn.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong giai đoạn vừa qua, nuôi trồng thủy sản biển Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Ngoài các đối tượng nhuyễn thể, giáp xác đã nuôi nhiều năm, thì cá biển, rong, tảo biển đã phát triển khá mạnh, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nuôi biển, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia thời gian qua.
Theo đó, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản biển năm 2021 đạt 700.000 tấn (nhuyễn thể đạt 471.000 tấn, cá biển đạt 58.000 tấn, tôm hùm đạt 2.200 tấn, rong biển đạt xấp xỉ 130.000 tấn, còn lại là các đối tượng khác). Trong năm 2022, ước tổng diện tích nuôi biển cả năm đạt 80.000ha (chưa tính diện tích nuôi xen ghép) và 9 triệu m3 lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 750.000 tấn. Trong đó, một số đối tượng chính gồm cá biển: 11.000ha và 4 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 65.000 tấn. Nhuyễn thể 57.000ha, 1 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 480.000 tấn. Tôm hùm 4 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 2.500 tấn; rong biển 11.000ha, sản lượng đạt 150.000 tấn. Các đối tượng khác sản lượng đạt 52.500 tấn.
Nuôi trồng thuỷ sản biển tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Lĩnh vực nuôi biển đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác nghiên cứu giống, thức ăn nuôi,... Đó là đã hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển (cá song, chim vây vàng, chẽm, hồng mỹ,…); hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số loài nhuyễn thể (ốc hương, tu hài, bào ngư,…); nghiên cứu thành công thức ăn cho cá chim vây vàng, cá song, cá vược, cá giò. Đồng thời, đang nghiên cứu sản xuất giống một số loài: cá song vua, tôm mũ ni, rong biển,…; đang nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nuôi biển của nước ta hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Trong đó có thể kể đến việc nuôi biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết; điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn yếu; công nghệ sản xuất chưa chủ động hoàn toàn. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm.
Trong năm 2023, nuôi biển phấn đấu đạt diện tích 90.000ha (chưa tính diện tích nuôi xen ghép) và 9,5 triệu m3 lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Trong đó, một số đối tượng chính gồm cá biển 15.000ha và 4,3 triệu m3 lồng; sản lượng đạt 75.000 tấn; nhuyễn thể 57.000ha, 1 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 630.000 tấn; tôm hùm 4,2 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 2.800 tấn.
Để đạt mục tiêu trên, sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và chung tay bảo vệ môi trường. Hình thành kênh cung cấp thông tin thị trường, thông tin về thiên tai, biến đổi khí hậu,… để kịp thời thông tin tới các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển, nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất. Cùng với đó, xây dựng cơ chế liên kết giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế khác để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các hoạt động sản xuất trên biển.
Vũ Minh
Bình luận