Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Thứ tư, 20/07/2022 15:07
TMO – Trải qua đại dịch, những biến động mạnh mẽ của thị trường và giá cả nhiều vật tư đầu vào tăng mạnh nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn dự kiến đạt khoảng 2,7-2,8%. Đặc biệt, ngành vẫn đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống.
Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu tăng trưởng 4,7%, tiếp tục giữ vai trò là “trụ đỡ” quan trọng trong phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 123.000 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác thủy hải sản đạt gần 55.000 tấn; tiến hành lắp đặt 8 thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài 15m trở lên, nâng tổng số lên 414 chiếc tàu được lắp đặt thiết bị, đạt 100%.
Về lĩnh vực sản xuất lúa, diện tích gieo trồng là 148.681ha, sản lượng gần 617.000 tấn; bên cạnh đó, xuống giống rau màu 8.770 ha, thu hoạch 7.199 ha, sản lượng trên 80.000 tấn, tăng 4,3%. Toàn tỉnh hiện có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao (đang thẩm định 5 xã NTM nâng cao); 3 xã công nhận đạt NTM kiểu mẫu; 2 đơn vị cấp huyện được công nhận (huyện Phước Long và thành phố Bạc Liêu).
Tỉnh Bình Phước đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 từ 5 - 6%; giai đoạn 2026-2030 từ 4 - 5%. Tỷ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021-2025 là 76,7%; giai đoạn 2026 - 2030 là 66%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường 95%. Hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều đa chiều ở nông thôn giảm bình quân hàng năm từ 2.000 - 2.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo 80%; duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn trên 90%.
Đồng thời, tỉnh này cũng phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 100% đơn vị cấp huyện (11 huyện, thị xã, thành phố) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, khoảng 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; khoảng 20% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Dù còn nhiều bất cập, nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng ấn tượng, thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Đến năm 2050, Bình Phước phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Người dân nông thôn có điều kiện phát triển toàn diện. Nông thôn thịnh vượng, không còn hộ nghèo; trở thành nơi đáng sống, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống và thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 16 hợp tác xã (HTX) điểm và 4 HTX điển hình về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 3 cây, 1 con (cây lúa, thanh long, rau và con bò) trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho thành viên, doanh thu cho HTX, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đáng chú ý, nhiều HTX đã tham gia tích cực vào quá trình thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Tiêu biểu như: HTX Nông nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) được chọn xây dựng điển hình về cây rau đang phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng thương hiệu rau an toàn của địa phương. HTX đã xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp bảo đảm chất lượng, có chuỗi liên kết tiêu thụ thực phẩm an toàn cho hơn 100 thành viên cùng nhiều hộ liên kết. Hiện, diện tích sản xuất của HTX theo quy trình VietGAP đạt hơn 30ha, trong đó bảo đảm có nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm tự động, sử dụng phân hữu cơ vi sinh
Tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, thống kê đến hết năm 2021, trong tổng số 674.418 ha cà phê của 7 tỉnh (5 tỉnh vùng Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai, Sơn La), có đến 177.979 ha trồng xen chiếm 26,4% tổng diện tích cà phê. Loại hình trồng xen chủ yếu là xen tiêu chiếm 21.804,8 ha và xen bơ 19.329,7 ha, xen sầu riêng đạt 13.268.1 ha...Theo số liệu điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, loại hình trồng xen phổ biến trên vườn cà phê hiện nay là trồng xen hồ tiêu, sầu riêng chiếm 72,3%.
Loại hình trồng xen bơ chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây, chiếm hơn 8% số hộ điều tra. Loại hình trồng xen hỗn hợp nhiều loại cây có 11,7%. Lâm Đồng là tỉnh có đa dạng các loại hình trồng xen hơn các tỉnh khác ở Tây Nguyên.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng xen trong vườn cà phê lớn nhất với hơn 75.700 ha; trong đó, trồng xen hồ tiêu là gần 20.000 ha, trồng xen bơ là hơn 10.000 ha, sầu riêng là gần 5.000 ha. Việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê ngoài việc được thu sản phẩm trái cây còn có tác dụng cân bằng hệ sinh thái, làm cây che bóng, chắn gió, hạn chế tình trạng bốc hơi nước trong mùa khô. Tùy thuộc nhu cầu, quy hoạch của từng địa phương mà cơ cấu cây trồng xen và lợi nhuận từ trồng xen khác nhau.
Kết quả điều tra tại 5 tỉnh Tây Nguyên của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, ở cả hai loại hình trồng xen đơn cây và đa cây đều có xu hướng giảm số lượng cây trồng chính là cà phê so với trồng thuần, tuy nhiên cây trồng chính vẫn giữ ở mức khoảng 1.000 cây cà phê/ha. Phương thức trồng xen phổ biến hiện nay là trồng xen vào hố cà phê, theo khoảng cách cố định và trồng xen ngã tư theo khoảng cách cố định. Chẳng hạn, cây sầu riêng được trồng xen vào hố cà phê và xen vào ngã tư có tỷ lệ tương đương nhau và theo khoảng cách cố định.
Kinh tế trong nước đang trong quá trình phục hồi, dự báo tăng trưởng khá lạc quan năm 2022. Nắm bắt cơ hội này, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và xung đột Nga-Ukraine.
Phạm Yến – Vũ Bình
Bình luận