Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 22:11
Chủ nhật, 18/09/2022 19:09
TMO – Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón các dự án đầu tư nước ngoài; Đề xuất giảm thuế MFN 10% các mặt hàng chế phẩm xăng; Đồng Tháp tính nhập khẩu trứng sếu đầu đỏ…là những vấn đề nổi bật trong tuần (từ ngày 12/9 đến 18/9).
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường điểm lại 7 vấn đề nổi bật diễn ra trong tuần qua được nhiều bạn đọc quan tâm trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường.
1. Đề xuất giảm thuế MFN 10% các mặt hàng chế phẩm xăng. Bộ Tài chính đã đề xuất đưa thuế MFN đối với mặt hàng sản phẩm chế biến từ dầu mỏ, nhưng có chỉ số octan khác xăng động cơ và được sử dụng như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hoặc các ngành công nghiệp từ 20% về 10%, như mặt hàng xăng động cơ không pha chì đã được giảm trước đó. Về giảm thuế suất MFN đối với một số mặt hàng chế phẩm xăng, Bộ Tài chính cho biết, ngày 8/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ không pha chì, theo đó điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN mặt hàng xăng động cơ không pha chì (thuộc mã từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.
2. Nhóm du khách cắm trại trái phép trên đảo tiền tiêu. Nhóm 12 du khách cắm trại trái phép trên Hòn Bồ Cát – đảo tiền tiêu vùng biển Đông Bắc bị cơ quan chức năng huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) phát hiện. Nhóm du khách này đã bị lực lượng chức năng huyện đảo Cô Tô lập biên bản vi phạm hành chính vì có hoạt động tạm trú, lưu trú, đi lại trong khu vực biên giới không đúng quy định. Được biết, nhóm du khách người Việt (đến từ nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội...) đến thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân bắt đầu du lịch trải nghiệm.
3. Nhập trứng sếu đầu đỏ để gầy đàn. Tỉnh Đồng Tháp dự định nhập trứng sếu đầu đỏ từ Thái Lan về ấp, sau đó chăm sóc, thả ra môi trường tự nhiên nhằm gầy dựng, sinh sôi loài chim quý ngày càng suy giảm. Nếu không gặp khó khăn gì thì số lượng trứng sếu sẽ nhập về trong năm 2022. Vườn quốc gia Tràm Chim chuẩn bị cơ sở vật chất để ấp trứng (khoảng 30 ngày), nuôi và huấn luyện con non theo quy trình chuyển giao. Vài năm sau, sếu đầu tiên sẽ được thả ra tự nhiên. Dự án tính toán mỗi năm thả thành công 10 con, trong 10 năm vườn có 100 con sếu. Với số lượng như vậy, đàn sếu có thể tự sinh sản ngoài tự nhiên với mức độ đa dạng, duy trì quần thể. Gần đây, số lượng sếu về Tràm Chim ngày giảm mạnh. Thống kê, những năm 2014-2016 có 14-23 con về mỗi năm. Năm 2017 chỉ có 3 con. Năm 2018, có 9 con và năm sau là 11 con về vườn. Đáng chú ý năm 2020 và 2022 không có con sếu nào về.
4. Đình chỉ mỏ đá nổ mìn làm ảnh hưởng đến người dân. UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã tạm đình chỉ hoạt động mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Trường sau vụ nổ mìn khiến đá rơi trúng nhà dân, làm bị thương một cháu bé. Theo UBND huyện Kỳ Sơn, liên quan đến vụ nổ mìn khiến đá văng xuống nhà dân ở bản Kim Đa, xã Phà Đánh làm một cháu bé bị thương, UBND huyện đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Trường. Sau khi nhận được thông tin, UBND huyện đã giao các phòng, ban chuyên môn phối hợp với chính quyền xã Phà Đánh đến hiện trường kiểm tra. Qua kiểm tra ban đầu, có 4-5 nhà dân bị đá rơi trúng thủng mái. Một bé gái đang ngủ trên giường thì mái ngói vỡ, rơi trúng người. Cháu bé bị thương vùng ngực, cổ, được người nhà đưa đi bệnh viện để thăm khám sau đó.
5. Hàng nghìn tấn ngao bị chết sau sự cố chìm tàu chở dầu. Gần 80 hộ nuôi ngao tại Thái Bình điêu đứng khi ngao thương phẩm chuẩn bị thu hoạch bị tách đôi vỏ, chết trắng, bốc mùi hôi thối suốt 10 km ở phía nam và bắc Cồn Đen. Tuy nguyên nhân chưa được công bố, nhưng thời gian ngao chết trùng với thời điểm 01 tàu chở hơn 1.000 tấn dầu bị chìm khi đang neo tại khu vực phao số 0 để chờ thủy triều vào luồng cảng Diêm Điền. Nơi tàu chìm cách khu vực nuôi ngao khoảng 10 km.
6. Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất. Chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, trên tinh thần cùng thắng, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" với các nhà đầu tư bởi "nếu làm việc với nhau mà bên thua, bên thắng thì không phải là hợp tác". Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương quán triệt nghiêm túc, triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực". Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh.
7. Xin lùi thời hạn vận hành metro Nhổn - ga Hà Nội. HĐND TP Hà Nội vừa thống nhất thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm (metro) TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, mốc thời gian hoàn thành Dự án đường sắt đô thị (Metro) Nhổn - ga Hà Nội được lùi từ 2022 sang 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), tổng vốn đầu tư tăng hơn 1.900 tỷ đồng. Trước đó, ngày 7/8, tại buổi làm việc với các bên liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội, Thủ tướng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu hoàn thành đoạn trên cao đường sắt này chậm nhất là 31/12 và rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm của dự án.
Phạm Yến – Trương Hoà
(Trong bài có sử dụng một số hình ảnh của đồng nghiệp và CTV)
Bình luận