Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Chủ nhật, 31/07/2022 19:07
TMO – Đến năm 2030 sẽ hình thành 7 cụm công nghiệp kinh tế biển; 8 nhiệm vụ đưa phát thải ròng về “0” đến năm 2050; Hà Nội khôi phục hoạt động loa phường…là những vấn đề nổi bật diễn ra trong tuần qua (từ 25/7 đến 31/7/2022).
Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường điểm lại 7 vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường được nhiều bạn đọc quan tâm trong tuần qua.
1. Hà Nội sẽ khôi phục loa phường. Trong chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 mới được thành phố ban hành, UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Đây là một trong những chỉ tiêu của Cùng với mục tiêu trên, để phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, thành phố cũng đề ra đến năm 2025 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã, trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân. Tuy nhiên, về “tiếp tục phủ sóng loa phường” đã vấp phải phản ứng của người dân. Theo đó, phần lớn người dân không tán thành việc tiếp tục duy trì hoạt động của loa phường bởi ô nhiễm tiếng ồn.
2. Đề xuất điều chỉnh nhiều quy định về đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xin ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ban soạn thảo đã bỏ quy định về khung giá đất, thay vào đó Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá và quyết định giá đất cụ thể. Việc định giá đảm bảo nguyên tắc theo mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, khách quan của kết quả định giá giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định. Theo dự thảo sửa đổi, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất.
3. Phấn đấu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” với mục tiêu chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. Chiến lược nêu rõ 8 nhiệm vụ về biến đổi khí hậu. Cụ thể gồm: Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon; Thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh; Phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp; bảo vệ, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững rừng; Bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên; Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông; Thúc đẩy ngoại giao khí hậu.
4. Đề xuất lắp camera giám sát rạn san hô. UBND TP. Nha Trang, Khánh Hoà đề xuất lắp camera dạng năng lượng mặt trời để giám sát, bảo vệ san hô ở khu vực Hòn Mun. Theo đó, camera sẽ được lắp ở một số nơi trên đảo để theo dõi tàu cá, tàu lặn trong phân khu bảo tồn. Ngoài ra, vịnh đề xuất đầu tư camera lặn dưới nước để hỗ trợ quá trình kiểm tra tốc độ sinh trưởng san hô. Tổng kinh phí lắp camera dự kiến 260 triệu đồng. Vịnh Nha Trang rộng gần 250 km2, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Nơi đây có nhiều san hô và hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam, các bãi lặn nổi tiếng, thu hút du khách đến lặn biển, xem đáy đại dương.
Rạn san hô tại biển hòn Mun (Nha Trang, Khánh Hoà) chết hàng loạt vào đầu tháng 6 vừa qua.
5. Hà Nội tách làn riêng ô tô, xe máy ở "điểm đen” giao thông. Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông, phân làn cứng tách ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến) từ ngày 6/8/2022. Theo đó, đường Nguyễn Trãi đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân sẽ được tổ chức phân làn phương tiện theo hướng 2 làn sát vỉa hè cho xe máy - xe thô sơ - xe buýt được phép hoạt động. Xe ô tô được phép hoạt động tại 3-4 làn sát dải phân cách. Đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) là một trog những tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông rất đông, nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường. Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã tiến hành sắp xếp lại giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở, tuy nhiên vẫn không mang lại nhiều hiệu quả.
6. Hình thành 7 cụm công nghiệp kinh tế biển. Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển và ven biển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030. Đề án phấn đấu tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030.
7. Khẩn trương lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung, khẩn trương lập và trình Quy hoạch bảo vệ môi. Trước đó, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 gồm: Xây dựng 2 quy hoạch quốc gia (Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030) và 6 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030: Quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch bảo vệ môi trường; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Riêng nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thực hiện trong năm 2022. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện lập quy hoạch rất chậm.
Vũ Minh – Tú Quyên
Bình luận