Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 07:01
Thứ bảy, 08/04/2023 07:04
TMO - TP.HCM đặt mục tiêu đến hết năm 2023 phấn đấu giải quyết 100% các điểm ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải, không để tái phát và phát sinh thêm điểm ô nhiễm, ngoài ra xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm không khí là nhiệm vụ trọng tâm.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố đã đạt mức hơn 9.700 tấn/ngày. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm lễ, Tết, lượng rác thải tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày. Lượng rác thải sinh hoạt tăng nhanh, khoảng 10%/năm, nhưng việc xử lý rác vẫn theo cách cũ. Trong đó, 70% là chôn lấp, 30% được tái chế và đốt công nghệ cũ. Đáng chú ý, trong số 30% rác tái chế có tới 50% lượng rác không xử lý hết vẫn phải đem chôn lấp. Rác vẫn chủ yếu là mang đi chôn lấp gây nguy cơ ô nhiễm thứ phát và không đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm đã đặt ra.
Cùng với những áp lực trong công tác xử lý rác thải, ô nhiễm không khí đang đặt ra những thách thức lớn với địa phương này. Kết quả nghiên cứu của (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết lượng bụi mịn PM2.5 của thành phố hiện cao gấp 4-5 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), riêng tỷ lệ PM2.5 từ phương tiện giao thông chiếm 36,75% nguồn phát thải bụi mịn trong thành phố. ô nhiễm không khí tại TP.HCM có nguyên nhân chính là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả. Việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả…
UBND thành phố xác định việc xử lý nước thải hạn chế ô nhiễm môi trường nước tại hệ thống kênh rạch, sông lớn là nhiệm vụ quan trọng.
Ngoài ra, mỗi ngày thành phố có gần 3 triệu m3 nước thải nhưng chỉ 12,6% trong số đó được xử lý; số còn lại đổ thẳng ra sông, kênh, rạch. Theo Sở Xây dựng thành phố, phấn đấu đến năm 2025, khoảng 80% tổng lượng nước thải của Thành phố (gần 2,6 triệu m3/ngày) sẽ được thu gom, xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Để thực hiện được mục tiêu này, từ nay đến năm 2025, Thành phố sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng 12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và và thực hiện dự án vệ sinh môi trường khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2), dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Trong đề án phát triển hệ thống cấp nước giai đoạn 2020 - 2050, TP. HCM đã đưa ra giải pháp di dời dần điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai kết hợp với việc xây dựng các hồ hoặc cụm hồ dự trữ nước thô nhằm gia tăng an ninh nguồn nước khi đối diện với các rủi ro từ tác động của ô nhiễm và biến đối khí hậu.
Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở TN&MT quan trắc thường xuyên, liên tục chất lượng không khí, đồng thời, theo dõi dữ liệu quan trắc tự động chất lượng khí thải của các đơn vị được kết nối về sở. Từ đó, kịp thời cảnh báo, đề xuất xử lý các trường hợp xả khí thải vượt chuẩn quy định. UBND thành phố giao Sở GTVT tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông vận tải. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đạt 15%, đến năm 2030 đạt 25%.
Hiện nay, UBND TP.HCM đã và đang xây dựng lộ trình để triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm đảm bảo đến năm 2025, thực hiện phân loại thành 3 loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hiện công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM đã được xã hội hóa 100%; tỷ lệ các công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM chiếm tỷ lệ khoảng 31%, còn lại 69% được chôn lấp hợp vệ sinh.
Sở TN&MT thành phố cho biết, dự kiến đến năm 2025, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày tại TP.HCM là khoảng 12.500 tấn. Trong khi đó, lượng rác thải xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế mà các doanh nghiệp đang triển khai và đề xuất triển khai là khoảng 10.000 tấn/ngày. Nếu các nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đúng tiến độ và việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án mới có kết quả, nhà đầu tư hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành theo kế hoạch thì TP.HCM đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 80% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế vào năm 2025 và hướng tới 100% vào năm 2030.
Phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải bằng công nghệ hiện đại là mục tiêu quan trọng thành phố hướng tới trong xử lý rác thải (Ảnh minh họa).
Kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030 trong năm 2023 của TP.HCM nhấn mạnh tới 5 nhóm giải pháp triển khai: Tăng cường sự tham gia và phối hợp của các Sở, ban, ngành; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; các đơn vị có liên quan trong công tác truyền thông nâng cao nhận thức, giúp cộng đồng dân cư thành phố thay đổi hành vi, hình thành thói quen tích cực trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hoàn thiện cơ chế chính sách để thu hút các ngành nghề đầu tư trong lĩnh vực môi trường; đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi, bình đẳng của các nhà đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện môi trường. Nâng cao năng lực quản lý, phát triển nguồn nhân lực; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra; hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao, khuyến khích việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chất thải, kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm, kết hợp xử lý chất thải tạo năng lượng, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Tập trung các giải pháp công trình để phục vụ công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng và các vùng lân cận và quốc tế trong quản lý, giải quyết các vấn đề tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Minh Hải
Bình luận