Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 13:11
Thứ bảy, 23/09/2023 12:09
TMO – Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ phát hành trái phiếu xanh, chỉ riêng trong lĩnh vực năng lượng, các tổ chức tại Ấn Độ đã thu về hơn 42 tỷ USD từ huy động trái phiếu xanh có nhãn và không nhãn.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển trái phiếu xanh, đây được xem như một công cụ huy động nguồn vốn hưu hiệu cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội. Việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng chung, là một kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững.
Ngày 5/9, Hồng Kông ban hành kế hoạch phát hành đợt trái phiếu xanh bán lẻ thứ hai với giá trị 1,91 tỷ USD. Trái phiếu có thời hạn ba năm, thanh toán lãi sáu tháng một lần dựa trên tỷ lệ trung bình của chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian nửa năm đó. Mức thanh toán tối thiểu được đảm bảo là 4,75%. Trái phiếu xanh bán lẻ mới, cũng như các công cụ tài chính khác được đưa ra theo chương trình trái phiếu xanh của Hồng Kông, cho thấy “cam kết trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy tài chính xanh cũng như phát triển Hồng Kông thành một thành phố bền vững và đáng sống hơn”.
Một trong những mục đích của phát hành trái phiếu xanh là để huy động nguồn vốn phục vụ các dự án về bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa.
Tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, hồi cuối tháng 7/2023, Tập đoàn Masdar đã hoàn thành đợt phát hành trái phiếu xanh đầu tiên huy động được 750 triệu USD (685 triệu EUR) trên Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn. Thỏa thuận này là bước đầu tiên trong chương trình huy động tới 3 tỷ USD trái phiếu để đáp ứng các cam kết vốn chủ sở hữu của Masdar đối với các dự án năng lượng tái tạo mới trên toàn cầu khi công ty đặt mục tiêu đạt công suất 100 GW vào năm 2030. Chương trình này nhằm hỗ trợ năng lượng mặt trời và các dự án gió, cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối điện tái tạo, cũng như tài sản lưu trữ pin. Tại khu vực Trung Đông, việc phát hành trái phiếu bền vững đã tăng hơn gấp ba lần, đạt 15,4 tỷ USD, trong nửa đầu năm 2023. Hầu hết các đợt phát hành đều có sự tham gia của chính phủ với tư cách là bên liên quan chính và là trái phiếu xanh.
Cuối tháng 5/2023, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã triển khai chương trình Trái phiếu xanh với trên 20 doanh nghiệp tham gia để trợ cấp chênh lệch lãi suất phát hành trái phiếu xanh. Các công ty tham gia dự án có kế hoạch phát hành trái phiếu xanh trị giá khoảng 3,9 nghìn tỷ won vào cuối năm 2023. Việc thực hiện thành công các dự án được hỗ trợ bởi các trái phiếu này có thể có những cải thiện đáng kể về môi trường, bao gồm giảm khoảng 3,73 triệu tấn khí thải nhà kính hàng năm.
Tháng 6/2023, Kho bạc Tây Úc (WATC) đã phát hành trái phiếu xanh đầu tiên - huy động được 1,9 tỷ USD cho các dự án Chính phủ đủ điều kiện mang lại kết quả về môi trường. Tại Ấn Độ, theo thống kê trong khoảng 10 năm gần đây, các tổ chức phát hành ở Ấn Độ đã huy động trái phiếu xanh có nhãn và không nhãn trị giá 42,9 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng.
Trái phiếu xanh là gì?
Tại Việt Nam, trái phiếu xanh được hiểu là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành ... để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường. Nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu xanh phải được hạch toán, theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.
Cụ thể như: Cải tạo, nâng cấp công trình bảo vệ môi trường; Thay đổi công nghệ theo hướng áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất; Áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải ít carbon; Ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường; Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đất, tiết kiệm năng lượng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo; Xây dựng hạ tầng đa mục tiêu, thân thiện môi trường; Quản lý hiệu quả nguồn nước và xử lý nước thải; Thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; Dự án đầu tư khác theo quy định…/.
HẢI YẾN
Bình luận