Hotline: 0941068156
Thứ tư, 14/05/2025 03:05
Thứ năm, 27/02/2025 11:02
TMO – Việt Nam cần tích cực tham gia các tiến trình chống biến đổi khí hậu, phát triển hệ sinh thái xanh toàn cầu, bao gồm chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu, khuyến khích người dân có lối sống trách nhiệm với môi trường.
Là nền kinh tế có độ mở lớn, chịu sự ràng buộc trên nhiều phương diện bởi thị trường quốc tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Sự cấp thiết của chuyển dịch sang năng lượng tái tạo không chỉ do những tác động bên ngoài, mà ngay trong nước cũng có những điều kiện thuận lợi để phát triển. Việt Nam có đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng để sản xuất năng lượng tái tạo, với đường bờ biển dài, thời tiết nhiệt đới gió mùa nên nhận được lượng bức xạ nhiệt mặt trời và lượng gió tương đối lớn... Những điều kiện này có ý nghĩa quan trọng trong định hướng an ninh năng lượng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Kỹ thuật viên vận hành lò đốt, nhà máy điện rác.
Theo các chuyên gia, sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể, nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước. Nhất là Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050. Tuy nhiên, trong bối cảnh năng lượng toàn cầu có nhiều biến động, thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam thời gian qua phát triển “nóng” trong khi chính sách quản lý của Nhà nước chưa bắt kịp, dẫn tới những rủi ro tiềm ẩn.
Theo các chuyên gia, trên cơ sở những vấn đề đặt ra khi chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và hội nhập quốc tế, Việt Nam cần bám sát tình hình và các xu hướng trên thế giới, đặc biệt là nhận diện sự cạnh tranh giữa các nước, hình thành trật tự thế giới mới, kịch bản toàn cầu hóa chậm lại trong thời gian tới, những diễn biến tại Bắc Cực vốn nhiều tài nguyên chưa được khai thác, nguy cơ gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Từ đó, phân tích và dự báo những tác động đối với chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất những chính sách phù hợp, bao gồm cả chuyển đổi năng lượng tái tạo để phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Đẩy mạnh phát triển điện sinh khối.
Cần tích cực, chủ động tham gia những hoạt động liên quan tới chuyển dịch năng lượng tại các diễn đàn đa phương, tranh thủ cơ hội hợp tác từ các sáng kiến, chương trình nghị sự quốc tế để thực hiện hóa những cam kết tại COP26. Cần tích cực tham gia các tiến trình chống biến đổi khí hậu, phát triển hệ sinh thái xanh toàn cầu, bao gồm chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu, khuyến khích người dân có lối sống trách nhiệm với môi trường.
Cần tận dụng các nguồn lực quốc tế. Theo các chuyên gia, chuyển đổi năng lượng không phải là chuyện một sớm, một chiều, chưa kể sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Bởi để thực hiện mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần khoảng 135 tỷ USD từ nay cho đến năm 2030, và sau đó cần thêm 500 tỷ USD cho giai đoạn 2030 - 2050. Nhu cầu vốn đặt ra thách thức không nhỏ, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, khó huy động nguồn đầu tư dồi dào cho các công trình năng lượng dài hạn, quy mô lớn. Do vậy, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yếu tố cần thiết cho các công trình tại Việt Nam, tuy nhiên cũng tiềm ẩn rủi ro biến nước ta có thể trở thành điểm đến của công nghệ lạc hậu, nhất là khi những quy định kiểm soát về môi trường còn hạn chế.
Cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nghiên cứu và ban hành những quy định pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo, cùng những luật chuyên ngành khác về an ninh năng lượng quốc gia, làm cơ sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, nâng cao khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài, cải thiện năng lực cạnh tranh…/.
VĂN NHI
Bình luận