Hotline: 0941068156
Thứ ba, 19/11/2024 21:11
Thứ hai, 07/11/2022 11:11
TMO – Có 9 loại khoáng sản được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề xuất đưa vào dự trữ quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn 75 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm 9 loại khoáng sản, trong đó 1 khu vực than năng lượng, 2 khu vực quặng apatit, 1 khu vực quặng cromit, 14 khu vực quặng titan, 22 khu vực quặng bauxit, 7 khu vực quặng sắt-laterit, 10 khu vực đá hoa trắng, 15 khu vực cát trắng và 3 khu vực quặng đất hiếm. Việc lựa chọn 9 loại khoáng sản này dựa trên cơ sở các tiêu chí cần dự trữ khoáng sản theo quy định của Điều 29 Luật Khoáng sản, Nghị Định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trên cơ sở phân tích hiện trạng tài nguyên khoáng sản và xem xét nhu cầu huy động vào Quy hoạch khoáng sản.
Titan là một trong 9 loại khoáng sản được đề xuất đưa vào dự trữ quốc gia. (Ảnh minh hoạ)
9 loại khoáng đề xuất đưa vào dự trữ quốc gia: Khoáng sản than nâu (đồng bằng Sông Hồng), là khoáng sản có tài nguyên lớn, tuy nhiên, hiện nay chưa có công nghệ khai thác hiệu quả, việc khai thác có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Khoáng sản apatit loại II và IV thuộc bể apatit Lào Cai từ cao độ ±0m đến -900m do các thân quặng cắm sâu trong lòng đất, đất đá bao quanh cứng chắc và thường gặp nước ngầm, khi khai thác lộ thiên có hệ số bóc cao hơn so với hệ số bóc cho phép.
Khoáng sản cromit sa khoáng là loại khoáng sản quan trọng, có nhu cầu sử dụng lớn nhưng không có nhiều ở Việt Nam. Khoáng sản titan, gồm: titan phong hoá có hàm lượng thấp việc khai thác chưa hiệu quả; titan sa khoáng trong tầng cát đỏ có trữ lượng lớn phân bố tập trung ở Bình Thuận, Ninh Thuận.
Ngoài ra, còn có khoáng sản bauxit laterit phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên, Bình Phước; khoáng sản sắt - laterit phân bố chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk; khoáng sản đá hoa trắng phân bố ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; khoáng sản cát trắng phân bố chủ yếu ở các tỉnh ven biển miền Trung.
Khoáng sản đất hiếm phân bố ở khu vực Tây Bắc Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai; ngoài ra đối với khu vực đất hiếm Mường Hum (Lào Cai) là khu vực có cường độ phóng xạ lớn, chưa có công nghệ khai thác đảm bảo về môi trường.
Quốc Dũng
Bình luận