Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 06:11
Thứ hai, 15/01/2024 15:01
TMO – Việt Nam không ngừng nỗ lực triển khai áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế bởi khi tham gia mô hình “kinh tế tuần hoàn” sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguồn tài nguyên và giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Vai trò là “trụ đỡ” nền kinh tế của nông nghiệp đã và đang ngày càng được khẳng định trong thực tiễn phát triển đất nước. Nông nghiệp đang bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP. Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới. Những năm gần đây, nông nghiệp ngày càng chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và tăng mạnh xuất khẩu. Trong giai đoạn từ 2008 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với thời điểm năm 2008.
Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển định hướng từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng thời xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; việc đảm bảo an ninh lương thực là một trong những thành tố của an ninh con người, là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của con người.
Với hàng triệu tấn phụ phẩm mỗi năm, nếu biết tận dụng, khai thác sẽ mang lại giá trị lớn.
Những năm gần đây, Việt Nam không ngừng nỗ lực triển khai áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế bởi khi tham gia mô hình “kinh tế tuần hoàn” sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm nguồn tài nguyên và giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo các chuyên gia, tổng khối lượng phụ phẩm theo lý thuyết ở nước ta năm 2020 là khoảng 156,8 triệu tấn, đây là nguồn tài nguyên lớn để phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Tuy nhiên, việc sử dụng không hợp lý nguồn phụ phẩm này đang gây lãng phí lớn và là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường (đất, không khí và nước). Riêng phụ phẩm trồng trọt, theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường, có thể lãng phí tới vài trăm nghìn tỷ đồng/năm. Chính vì vậy, ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thủy sản cần được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Đây là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Năm 2022, GDP khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 3,36%, năm 2023 tăng lên 3,83%, đây được cho là mức tăng mạnh nhất từ nhiều năm nay. Đáng chú ý, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp hơn 30% vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải sớm chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
Hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD vào năm 2020, trong khi đó, nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm bằng công nghệ cao thì có thể thu về 4 tỷ đến 5 tỷ USD(5). Đầu tư công nghệ cao vào chế biến phụ phẩm thủy sản làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, nông nghiệp, nhất là sản xuất nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi có tiềm năng lớn, đặt nền móng cho kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản.
Theo số liệu thống kê năm 2020, tổng phụ phẩm trong lĩnh vực lâm nghiệp là 5,5 triệu tấn. Phụ phẩm từ lâm nghiệp cũng là nguồn lực lớn để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Lượng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp hằng năm là rất lớn, trong khi đó, hiện số lượng phụ phẩm, chất thải được xử lý vẫn còn thấp so với yêu cầu. Vì thế, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là cần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời giúp gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp nước ta theo hướng xanh, hiện đại, bền vững.
Cũng theo thống kê của ngành nông nghiệp, tính trung bình, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 triệu tấn rơm, có khoảng 20 triệu tấn được đốt trên đồng ruộng, gây ra khí thải và ô nhiễm môi trường; mất đa dạng sinh học (các sinh vật sống trong đất như nấm, vi khuẩn và động vật có lợi). Nguyên nhân chính là thiếu giải pháp công nghệ và thị trường mua bán rơm chưa được hình thành, giá rơm hiện ở mức rất thấp. Sâu xa hơn là do doanh nghiệp, nông dân chưa bán được chứng chỉ các-bon và còn hạn chế kiến thức về kinh tế carbon, nhất là từ sản xuất lúa. Như vậy, trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhất là của người dân về kinh tế tuần hoàn nói chung, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nói riêng chưa đầy đủ. Mặc dù gần đây, sản xuất nông nghiệp nước ta đã và đang từng bước quan tâm đến sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, song về cơ bản, các chủ thể sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp vẫn chủ yếu chú trọng đến gia tăng sản lượng thông qua gia tăng đầu vào. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ. Bên cạnh đó, vấn đề xử lý chất thải trong nông nghiệp còn bị coi nhẹ, chưa được quan tâm. Đây là một trong những rào cản cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn thời gian qua.
Rơm rạ sau thu hoạch chủ yếu được dùng trong chăn nuôi, ủ đất trồng hoa màu hoặc đốt.
Khung chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Mô hình sơ khai của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã có từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, song thuật ngữ “nông nghiệp tuần hoàn” gần đây mới được đề cập. Kinh tế tuần hoàn chưa hình thành một “thuật ngữ” gắn với chính sách, đặc biệt là trong nông nghiệp, hiện mới chỉ là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích áp dụng các mô hình nông nghiệp theo hướng của kinh tế tuần hoàn, do đó chưa thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trở thành một xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực nhưng quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau, thiếu hướng dẫn và chưa có tiêu chuẩn hóa về kinh tế tuần hoàn, chưa đưa ra đầy đủ các quy định, các tiêu chí, tiêu chuẩn để nhận diện, đánh giá, các tiêu chuẩn về công nghệ (sinh học, kỹ thuật nuôi, chế biến) cho các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cũng như chưa có cơ quan đầu mối về vấn đề này nên khó thực hiện trong thực tế. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định trách nhiệm của doanh nghiệp về thu hồi, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường... Ngoài ra, việc vận dụng kinh nghiệm của các nước một cách linh hoạt, sáng tạo để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn vào điều kiện cụ thể và thể chế đặc thù của Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, các mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng trong nông nghiệp chưa đầy đủ, đúng nghĩa, hầu như chỉ là tự phát.
Tổ chức sản xuất yếu, đặc biệt là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, nhiều hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, dẫn đến những khó khăn trong đầu tư, áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến vào sản xuất, chế biến nông sản. Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng chưa được quản lý hiệu quả, dẫn đến dư thừa và hình thành những rủi ro đối với môi trường. Trong khi phát triển kinh tế tuần hoàn phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến thì việc đầu tư nghiên cứu công nghệ cho kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện của người dân và phổ biến công nghệ cho kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, chưa có giải pháp phù hợp với từng vùng, miền, từng nhóm sản phẩm, quy mô trang trại và doanh nghiệp. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ trong các mô hình kinh tế tuần hoàn ở nước ta còn yếu. Các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam phần lớn hạn chế về công nghệ tái chế, tái sử dụng cũng như vốn và nhân lực nên chủ yếu mới quan tâm tới tận thu, tái sử dụng lại phụ phẩm chính trong quá trình sản xuất. Việc ứng dụng các công nghệ số mới chỉ dừng lại ở một số mô hình điển hình và các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính… Bên cạnh đó, thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi để phát triển kinh tế tuần hoàn, giúp giải quyết tốt các vấn đề, từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp cũng còn rất hạn chế…/.
Bài tiếp: Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp
THIÊN LÝ
Bình luận