Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 20:11
Thứ năm, 18/08/2022 22:08
TMO - Theo tính toán cập nhật, lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 274,235 tỷ kWh, tăng 7,6% so với năm 2021, bằng 99,6% so với mức dự báo.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu năng lượng của Việt nam không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 10,9% trong giai đoạn 2010-2015 và 10,1% trong giai đoạn 2016-2019. Với nỗ lực to lớn của các cấp, các ngành, về cơ bản Việt Nam vẫn luôn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và điện năng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định về xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng.
Đảm bảo cấp điện phục vụ sản xuất trong các khu công nghiệp
Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm 2022 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước. Theo tính toán cập nhật, lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 274,235 tỷ kWh, tăng 7,6% so với năm 2021, bằng 99,6% so với mức dự báo tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT.
Số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho thấy, trong tháng 6/2022, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 45.000MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 45.528MW. Sản lượng điện ngày toàn hệ thống điện quốc gia lần đầu tiên vượt 900 triệu với con số cụ thể là 909 triệu kWh, vượt xa mức đỉnh năm 2021 là 880 triệu kWh. Dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Về tiết kiện năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành 03 hướng dẫn kỹ thuật về các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho 03 ngành: chế biến thủy sản, sành sứ và Dệt nhuộm. Trong năm 2021, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các các doanh nghiệp triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm: Xây dựng định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành: vận tải biển, kính xây dựng, ngành khai thác than, chế biến gạo; Xây dựng 10 mô hình quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp, mô hình Biogas tiết kiệm điện cho các trang trại chăn nuôi trong ngành nông nghiệp và mô hình quản lý năng lượng trong ngành khai thác than, ngành giấy tái chế; Hỗ trợ xây dựng 05 hệ thống chiếu sáng đèn Led cho cây thanh long (chuyển đổi chiếu sáng cho cây thanh long nhằm sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả); Hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 23 doanh nghiệp, từ đó áp dụng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm; Hỗ trợ 09 doanh nghiệp triển khai áp dụng têu chuẩn ISO 50001 quản lý năng lượng tại doanh nghiệp.
Quốc Dũng
Bình luận