Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ tư, 01/11/2023 13:11
TMO - Tỷ lệ người dân nông thôn ở nhiều xã dùng nước sạch thấp so với chỉ tiêu nước sạch theo tiêu chí mới được ban hành đã khiến cho nhiều địa phương của tỉnh Hòa Bình có thể “lỡ hẹn” về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Ðể nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân vùng nông thôn, giải quyết triệt để những bệnh lý thông thường do sử dụng nguồn nước chưa đạt chuẩn, tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 318/QÐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; trong đó, nhấn mạnh và nâng chỉ tiêu tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn. Theo đó, khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, tỷ lệ dân được dùng nước sạch theo quy chuẩn là trên 45%.
Bên cạnh đó, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, quy định các xã đạt NTM phải có từ 15% đến 20% trở lên số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện đạt chuẩn NTM và từ 55% đối với xã đạt NTM nâng cao. Đây là một trong những tiêu chí gây ra không ít khó khăn, lúng túng cho nhiều xã ở huyện miền núi tại tỉnh Hòa Bình.
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực mở rộng mạng lưới nước sạch đến với các vùng nông thôn, miền núi, tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn cần được các cấp, ngành chung tay tháo gỡ. Tuy nhiên, công tác cấp nước sạch nông thôn, trong đó việc hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để các địa phương sớm về đích.
Nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận, sử dụng sạch là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Hòa Bình.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 359 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; với tổng mức đầu tư là 733,735 tỷ đồng, trong đó có 37/359 công trình hoạt động bền vững (chiếm 10,3%), 62/359 công trình hoạt động tương đối bền vững (chiếm 17,2%), 80/359 công trình hoạt động kém bền vững (chiếm 22,2%) và 180/359 công trình không hoạt động (chiếm 50,1%). Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, một số công trình nước sạch tập trung sau khi được đầu tư xây dựng, công tác quản lý đối với hồ sơ; hồ sơ hình thành và giao công trình cho đơn vị quản lý; phương thức vận hành, khai thác công trình; hạch toán, khấu hao, bảo trì công trình; giá bán nước sạch; việc quản lý, sử dụng số tiền thu các công trình chưa được xác lập theo quy định.
Trên địa bàn huyện Mai Châu có 50 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; với tồng mức đầu tư 133,752 tỷ đồng; có 02 công trình do Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý được đánh giá là hoạt động bền vững (chiếm 4% tổng số công trình); 26/50 (chiếm 52%) công trình hoạt động trung bình; 11/50 (chiếm 22%) công trình hoạt động kém hiệu quả; 11/50 (chiếm 22%) công trình với tổng mức đầu tư hơn 6,3 tỷ không hoạt động.
Tại huyện Lạc Sơn có 35 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; với tổng mức đầu tư 80,988 tỷ đồng. Trong đó có 04/35 công trình được đánh giá là hoạt động bền vững (chiếm 11,4%); công trình hoạt động trung bình 08/35 (chiếm 22,8%); công trình hoạt động kém hiệu quả 14/35 (chiếm 40%); công trình không hoạt động 09/35 (chiếm 25,7%) với tổng mức đầu tư hơn 12,8 tỷ. Dự án Công trình nước sinh hoạt xóm Mai Sơn, xã Yên Nghiệp được đầu tư xây dựng hoàn thành năm 2014 với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng; tuy nhiên, sau 02 tháng đưa vào hoạt động đã hư hỏng không cấp nước cho các hộ dân; hiện tại, toàn bộ các thiết bị tại trạm xử lý nước đã hư hỏng và mất.
Trên địa bàn thành phố Hòa Bình có 38 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với tổng mức đầu tư 47,306 tỷ đồng. Trong đó có 01/38 công trình được đánh giá là hoạt động bền vững (chiếm 2,6 %); công trình hoạt động trung bình 06/38 (chiếm 15,7%); công trình hoạt động kém hiệu quả 06/38 (chiếm 15,7%); công trình không hoạt động 25/38 (chiếm 65,7%) với tồng mức đầu tư hơn 27,774 tỷ. Tại huyện Tân Lạc có 36 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với tổng mức đầu tư 87,680 tỷ đồng. Trong đó có 03/36 công trình được đánh giá là hoạt động bền vững (chiếm 8,3 %); công trình hoạt động trung bình 03/36 (chiếm 8,3%); công trình hoạt động kém hiệu quả 05/36 (chiếm 13,8%); công trình không hoạt động 25/36 (chiếm 69,4%) với tổng mức đầu tư hơn 37,786 tỷ.
Nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trên địa bàn liên quan đến việc cấp nước sạch nông thôn như hệ thống văn bản pháp quy về lĩnh vực nước sạch nông thôn vẫn đang được hoàn thiện, còn nhiều tồn tại, khó khăn trong quản lý, khai thác. Đáng chú ý, việc thu tiền sử dụng nước đối với người dân nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Các chủ thể được giao quản lý công trình chủ yếu thực hiện theo phương thức tự khai thác (cấp nước, thu tiền nước). Trong khi đó, việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình do đơn vị tự thực hiện; công nhân quản lý vận hành chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, nên chủ yếu áp dụng phương thức sửa chữa nhỏ mang tính tạm thời, mang tính chất trông giữ công trình, không có kinh phí sửa chữa nên xuống cấp, hư hỏng nhanh...
UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng có biện pháp khai thác hiệu quả công trình cấp nước sạch nông thôn. Ảnh: HL.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, đến hết quý III/2023, toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. Năm 2023, tỉnh Hòa Bình đặt ra mục tiêu có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với việc triển khai đồng bộ các tiêu chí, địa phương này tiếp tục tăng cường quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các đơn vị có liên quan cần khảo sát, thiết kế xây dựng, thẩm định đảm bảo chất lượng tránh trường hợp khảo sát, thiết kế không sát với thực tế, dẫn đến khi hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng công trình đã không đạt được hiệu quả như thiết kế ban đầu hoặc có công trình đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã không hoạt động. Rà soát hồ sơ quản lý tài sản công trình các dự án cấp nước sạch nông thôn tập trung theo đúng quy định. Đào tạo chuyên môn cho cán bộ quản lý, vận hành đối với các công trình giao UBND cấp xã quản lý để đảm bảo việc vận hành đúng quy trình kỹ thuật. Rà soát quy trình, thống nhất việc ban hành đơn giá nước bán cho các hộ dân đảm bảo theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, có giải pháp xử lý đối với tố chức, cá nhân khi để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, mất cắp tài sản, thi công làm hư hỏng hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt và thực hiện không đúng quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Xem xét hỗ trợ kinh phí đề duy tu, sửa chữa nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn còn khả năng khai thác hiệu quả để khai thác tối ưu công suất của công trình.
Đối với các công trình do địa phương quản lý việc vận hành, khai thác các công trình cấp nước nông thôn tập trung được UBND các xã giao cho cộng đồng thôn, bản và tự hạch toán, kinh phí để chi trả cho tổ quản lý vận hành chủ yếu lấy từ tiền sử dụng nước của người dân. Các công trình cấp nước nông thôn tập trung hiện đang sử dụng, khai thác hoạt động hiệu quả còn chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu hoạt động ở mức trung bình, một số công trình hiện không còn hoạt động được do hư hỏng, xuống cấp. Đối với 14 công trình nước sạch tập trung do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vận hành và khai thác thu tiền sử dụng nước theo đơn giá đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các công trình đang cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng và phát huy được hiệu quả.
Lê Hồng
Bình luận