Hotline: 0941068156
Thứ hai, 23/12/2024 11:12
Thứ sáu, 20/10/2023 19:10
TMO - Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000 ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000 ha. Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuy đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn gặp không ít khó khăn.
Trong những năm gần đây, nền nông nghiệp Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nhất là trong nghiên cứu, triển khai các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm nông sản Việt Nam chưa cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, nhiều loại sản phẩm chưa đạt vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay trên thị trường nội địa, người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt được sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và sản phẩm không an toàn, sự không minh bạch của sản phẩm không an toàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự người tiêu dùng.
Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức vô cùng to lớn đó là an toàn vệ sinh thực phẩm và biến đổi khí hậu. Nếu biến đổi khí hậu chỉ có thể đẩy Việt Nam vào tình thế phải triển khai nhanh một nền nông nghiệp chống biến đổi khí hậu mà cốt lõi là thay đổi cơ cấu cây trồng và phương pháp canh tác thích hợp với tình hình mới vì hạn, nhiễm mặn, nóng, lạnh, lũ lụt, bão thì thực phẩm không an toàn sẽ đem đến nhiều hệ lụy trầm trọng hơn vì đây là nguyên nhân phá hủy môi trường và ảnh hưởng đến cho sức khỏe con người. Trong tình hình người tiêu dùng rất lo ngại về thực phẩm không an toàn hiện nay, việc phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là bước đi cần thiết và kịp thời đối với ngành nông nghiệp.
Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được nhiều địa phương áp dụng.
NNHC là các hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm đẩy mạnh và tăng cường sức khỏe sinh thái nông nghiệp bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học. NNHC nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, nguyên liệu từ bên ngoài và có tính đến các điều kiện từng vùng, từng địa phương. NNHC được thực hiện phụ thuộc vào khả năng từng vùng về các phương pháp trồng trọt, sinh học, cơ học, hạn chế việc dùng các vật liệu tổng hợp để đáp ứng bất cứ một chức năng riêng biệt nào trong hệ thống. NNHC hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây độc hại cho cây trồng và môi trường sống như các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng, tăng trọng, hóa chất dùng để bảo quản. Sản phẩm NNHC có chất lượng gần giống với sản phẩm của thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe con người, mùi vị thơm ngon. NNHC đang là xu hướng phát triển trên thế giới trước nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng cũng như việc đảm bảo sự bền vững cho môi trường.
Sản phẩm NNHC là kết quả của quá trình sản xuất có yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm soát vật tư đầu vào như không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, các chất phụ gia, hạt giống biến đổi gen… trong quá trình sản xuất và kiểm soát rất chặt chẽ trong quá trình sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển. Do vậy, sản phẩm NNHC được coi là thân thiện với môi trường, sạch, an toàn và chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu. Sản xuất hữu cơ là một hệ thống canh tác rất hữu ích cho các hoạt động nông nghiệp quy mô tùy theo điều kiện sản xuất. Đối với nông sản hữu cơ, mặc dù chi phí chứng nhận, thời gian và lao động tham gia quản lý hệ thống cao hơn sản xuất rau thông thường, nhưng lợi nhuận và hiệu quả rất cao khi thị trường phát triển tốt cho các sản phẩm rau hữu cơ được gieo trồng. Ngoài ra, còn đóng góp lớn cho việc bảo vệ môi trường sống và cung cấp sản phẩm sạch, hữu cơ cho nhu cầu cuộc sống con người và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù vậy đến nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, cần sự phát triển ổn định, bền vững. Do đó, trước mắt, cần có sự quy hoạch đồng bộ, bài bản. Đặc biệt về tiêu chuẩn, việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sản phẩm hữu cơ, hài hòa với quốc tế là rất cần thiết cho mọi thành phần tham gia. Ý thức của các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa thật tốt để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, được người tiêu dùng tin tưởng. Các doanh nghiệp đi đầu về sản xuất sản phẩm hữu cơ hiện nay chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát. Hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết. Hơn nữa, quy trình sản xuất lại khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao. Do đó, cần có định hướng quy hoạch vùng với các sản phẩm ưu tiên, có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp cho mỗi đối tượng sản xuất.
Về giải pháp, nhiều chuyên gia cho rằng, sản xuất NNHC, nâng cao chất lượng nông sản nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường là mục tiêu hướng tới đi đúng đắn, phù hợp với lộ trình giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Do đó, trong thời gian tới, NNHC cần khai thác tổng hợp tất cả các yếu tố tự nhiên sẵn có của khu vực sản xuất: độ phì sẵn có của đất; sử dụng các nguồn gen, giống cây trồng địa phương để phát huy tính thích nghi, thích hợp và ổn định của nông nghiệp bền vững; khai thác hợp lý nguồn nước, thời vụ gieo trồng và các nguồn phân hữu cơ.
Bên cạnh đó, NNHC cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây độc hại cho cây trồng và môi trường sống như các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng, tăng trọng, hóa chất dùng để bảo quản nhằm tạo ra những sản phẩm NNHC có chất lượng gần giống với sản phẩm thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe con người, mùi vị thơm ngon. Ngoài ra, cần có chương trình tập huấn tuyên truyền cho người dân nắm rõ kỹ thuật canh tác rau theo hướng hữu cơ, ứng dụng tạo điều kiện giúp cho nông dân tiếp thu công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát thị trường, hình thành hệ thống liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn. Không những thế, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Trạm khuyến nông, các đơn vị chức năng cần tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc xây dựng mô hình trình diễn canh tác hữu cơ để tăng độ tin cậy, tăng tính lan tỏa trong xã hội.
THIÊN LÝ
Bình luận