Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/10/2024 05:10
Thứ sáu, 27/09/2024 08:09
TMO – Nhiều vấn đề doanh nghiệp cần phải tính đến để thực hiện chuyển đổi xanh. Đơn cử như kiểm soát và giảm tiêu thụ năng lượng và vật liệu, tối ưu hóa hoạt động, sử dụng nguyên vật liệu có thể tái chế, ứng dụng công nghệ để tối ưu tài nguyên, kiểm soát và xử lý chất thải.
Thời gian qua, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy chuyển đổi xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh... Tuy nhiên, sự thay đổi này diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trong khi đó, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam chiếm đa số, nhưng chưa được quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét...
Theo thống kê, chuyển đổi xanh mới chỉ chiếm khoảng 5% quy mô nền kinh tế, kinh tế nâu (kinh tế dựa vào các nguồn năng lượng hóa thạch, chưa quan tâm đến các vấn đề xã hội, suy thoái môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên) vẫn tới 95% quy mô nền kinh tế... Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Những khó khăn chủ yếu là hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ... Theo các chuyên gia, có nhiều vấn đề mà mọi doanh nghiệp cần phải tính đến để tăng trưởng xanh bền vững với chuyển đổi xanh, bao gồm: kiểm soát và giảm tiêu thụ năng lượng và vật liệu, tối ưu hóa hoạt động, sử dụng nguyên vật liệu có thể tái chế, ứng dụng công nghệ để tối ưu tài nguyên, kiểm soát và xử lý chất thải.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình nhà kính được xem là giải pháp giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện môi trường bởi hạn chế phát thải. Tuy nhiên, nếu thiếu tính toán, áp dụng đại trà, dày đặc trên cùng 1 khu vực sẽ gây nguy cơ ngập úng ở khu vực lân cận, tác động tiêu cực đến môi trường.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khẳng định, bên cạnh những cơ hội và lợi ích, chuyển đổi xanh cũng đặt ra các thách thức và khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là ở Việt Nam - một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với nền kinh tế và văn hóa đa dạng. Đó là tài chính, nhận thức và hiểu biết về lợi ích dài hạn của chuyển đổi xanh, chính sách hỗ trợ và biện pháp khuyến khích chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp...
Yêu cầu bức thiết
Việt Nam là quốc gia có sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tuy nhiên cũng đang đối mặt với áp lực từ các vấn đề biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay và mang lại nhiều lợi ích quan trọng.
Theo phân tích của các chuyên gia, lợi ích kép của chuyển đổi xanh, chuyển đối số có tính tương hỗ, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, chống chịu được tác động, canh tranh. Cụ thể, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả.
Đồng thời, chuyển đổi xanh tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm.
Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, nó còn tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu và các khủng hoảng khác, thông qua các hệ thống quản lý thông minh và công nghệ tiên tiến.
THANH BÌNH
Bình luận