Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 18:01
Chủ nhật, 24/11/2024 11:11
TMO – Cơ chế, giải pháp bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, vận chuyển và tồn giữ hóa chất…là những nội dung trong dự thảo sửa đổi Luật Hóa chất được đại biểu Quốc hội quan tâm, kiến nghị cần làm rõ.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Hội trường chiều 23/11 về cho ý kiến góp ý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm cần làm rõ một số nội dung quan trọng trong dự thảo sửa đổi.
Theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang), quy định đối với việc tồn trữ hóa chất trong dự thảo Luật chưa rõ. Những quy định liên quan đến việc vận chuyển hóa chất, trong đó có hóa chất nguy hiểm, hóa chất cấm còn chung chung, chưa bảo đảm chặt chẽ và an toàn trong quá trình vận chuyển. Do đó, đại biểu này kiến nghị cần bổ sung quy định cụ thể hơn, nhất là liên quan đến giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất, trên cơ sở làm rõ giấy chứng nhận được áp dụng đối với mỗi tổ chức, cá nhân tồn trữ hóa chất hay chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tồn trữ hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất có điều kiện. Đồng thời, bổ sung đầy đủ hơn quy định về điều kiện được vận chuyển hóa chất, cấp giấy phép vận chuyển hóa chất, trách nhiệm khi xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, nhất là trong quá trình vận chuyển bằng phương tiện tàu, thuyền trên sông, trên biển.
Hóa chất là một trong những loại mặt hàng luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và sức khỏe người dân. Do đó, cần siết chặt các hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán, vận chuyển. Ảnh minh họa.
Cũng theo đại biểu Trần Thị Thanh Hương, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) mới quy định các nội dung liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chưa quy định cụ thể về cơ chế, giải pháp bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng như nội hàm của tên chương đã xác định. Đại biểu Hương đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa nội dung xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước.
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe, bảo vệ quyền con người. Đồng thời rà soát, bổ sung các quy định tại các luật có liên quan, như Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường và các dự án luật đang trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này như: Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để các quy định tại dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), nhất là liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng được đầy đủ, chặt chẽ hơn.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) do Cục Hóa chất (Bộ Công thương) chủ trì soạn thảo. Dự thảo luật gồm 11 chương và 96 điều, trong khi đó, Luật Hoá chất năm 2007 có 10 chương và 71 điều. Theo cơ quan này, Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, sự ra đời của Luật Hóa chất là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho các hoạt động hóa chất trên cả nước.
Tuy nhiên, so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều luật mới được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã ký kết gia nhập nhiều Hiệp định Thương mại tự do, tham gia thêm vào một số công ước, điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất.
Cùng với quá trình thực thi dài, một số quy định trong Luật Hóa chất đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, việc xây dựng dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi) cho phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển hiện nay là rất cần thiết, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho ngành hoá chất phát triển.
VĂN NHI
Bình luận