Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 25/01/2025 01:01
Thứ ba, 06/02/2024 08:02
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền 4 Thông tư quy định chi tiết Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị triển khai sớm nhất để Luật đi vào cuộc sống. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp một số nội dung mới, điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi) đến các cơ quan truyền thông để có tư liệu; đồng thời, rà soát xây dựng các kế hoạch để trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật.
Luật Đất đai (sửa đổi) 2024 có nhiều nội dung sẽ triển khai để đảm bảo sự thông suốt trong việc thực hiện Luật, nội dung đầu tiên là tổ chức xây dựng các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, HĐND cấp tỉnh và UBND cấp tỉnh. Theo đó, kế hoạch đã rà soát kỹ lưỡng những điểm, những điều trong Luật để giao Chính phủ ban hành quy định chi tiết, trong đó Bộ dự tính có 9 nghị định.
Dự kiến sẽ có 9 nghị định được ban hành để thực hiện Luận Đất đai (sửa đổi). Ảnh minh họa.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 6 nghị định; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền 1 Thông tư để quy định chi tiết Luật Đất đai (sửa đổi); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 1 nghị định để quy định chi tiết Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền 4 Thông tư để quy định chi tiết Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 quyết định để quy định chi tiết; Bộ Nội vụ ban hành 1 thông tư để quy định chi tiết Luật Đất đai (sửa đổi).
Đối với UBND cấp tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết 18 nội dung được giao trong Luật. “Cùng với việc ban hành hướng dẫn thi hành luật, việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), kể cả các luật liên quan. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với các nghị định liên quan tới công tác quản lý đất đai, các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, còn các địa phương rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, ban hành, đảm bảo đồng bộ, thống nhất.
Nhằm chuẩn bị cho công tác tổ chức phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành phổ biến, tuyên truyền để các điểm mới và nội dung của Luật, các hướng dẫn thi hành… để toàn thể nhân dân được biết, cũng như quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo tính khả thi. Trong kế hoạch cũng đề ra việc triển khai các giải pháp, các nguồn lực thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất Chính phủ tập trung các nguồn lực để thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước, như xây dựng cơ sở Luật, duy trì hệ thống điều tra cơ bản, đánh giá Luật để duy trì hệ thống thông tin Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tổ chức xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai trong phạm vi của địa phương, bảo đảm đến năm 2025, kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, để các chính sách mới khi triển khai đảm bảo tính đồng bộ.
Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 18/1 với 16 chương và 260 điều và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025. Mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan về Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị định chung hướng dẫn các điều, khoản chung; các lĩnh vực chuyên sâu (quản lý đất lúa; thu tiền sử dụng đất; định giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư; điều tra cơ bản thông tin dữ liệu đất đai...); đất đai cho hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, công nghiệp; phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm hiệu lực đồng thời, đồng bộ, thống nhất; chú trọng tập huấn, quán triệt đến những người làm công tác lãnh đạo, quản lý đất đai từ Trung ương tới các địa phương; kiện toàn, sắp xếp bộ máy, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai phục vụ công tác định giá vào năm 2025... nhằm bảo đảm điều kiện tổ chức thi hành Luật Đất đai (sửa đổi).
TÚ QUYÊN
Bình luận