Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 15:11
Thứ năm, 10/08/2023 07:08
TMO - Ngoài xử lý hành chính (phạt tiền), các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (buộc tiêu hủy thuốc, thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường).
Dù đã có hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng và quy định bao, gói thuốc BVTV không được chôn lấp, đốt thủ công ngoài môi trường tự nhiên, bởi nếu đốt không đúng quy cách sẽ sinh ra chất dioxin. Sau khi được thu gom về các bể chứa, lưu chứa không quá 12 tháng, chủ nguồn phát thải nguy hại phải ký hợp đồng với cơ sở đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại để tiêu hủy.
Tuy nhiên, hiện nay, người dân ở những vùng chuyên sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tuân thủ những quy định về thu gom và xử lý rác thải nông nghiệp mà đa số đều xả bừa bãi hoặc tự tiêu hủy bằng cách đốt. Điều này gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như đời sống của chính con người. Trong thực tế, công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của chính quyền địa phương về việc xử lý rác thải nông nghiệp theo đúng quy định vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Điển hình tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 2,4 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, có những nông hộ chuyển sang mô hình sản xuất sinh học, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, nhưng không nhiều. Bình quân 1ha sản xuất lúa mỗi vụ thải ra môi trường khoảng 0,5-1kg bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV, còn đối với rau màu và cây ăn trái thì lượng rác thải ra có thể gấp hai lần.
Với diện tích sản xuất nông nghiệp của vùng, mỗi năm nông dân sử dụng và thải ra môi trường một lượng rất lớn vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, nhưng chỉ có rất ít được đốt hay bỏ vào các bể chứa do ngành chức năng, địa phương xây dựng, số còn lại vẫn còn thải xuống kênh mương chung quanh khu vực sản xuất. Thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu hết tác hại của rác thải nông nghiệp nguy hại nên có tâm lý thờ ơ trong xử lý. Mặt khác, việc đầu tư kinh phí xây bể chứa rác thải nông nghiệp còn hạn chế so với nhu cầu thực tế.
Ảnh minh họa.
Chính vấn đề xử lý rác thải nông nghiệp nguy hại vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cũng là thách thức lớn với các xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Do đó, các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư kinh phí cho công tác này. Căn cơ vẫn là nâng cao ý thức của người dân trong xử lý rác thải nguy hại.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức tập huấn cho nông dân về sử dụng an toàn thuốc BVTV và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp cũng như lồng ghép xây dựng các mô hình sinh thái trên đồng ruộng. Vận động nông dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV và tạo thói quen tốt trong canh tác, thu gom vỏ chai, vỏ bao thuốc BVTV đúng quy định nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Cần xem công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.
Hiện nay, Nghị định 55/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đối với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký phát thải hóa chất, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường; Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc quan trắc môi trường đối với hóa chất nguy hại theo quy định hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát phát thải hóa chất theo quy định; Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường; Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.
Riêng đối với hành vi vứt, thải bỏ thuốc bảo vệ thực vật không đúng nơi quy định, sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 26 Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, nội dung như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc; b) Không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; b) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dưới dạng ống tiêm thủy tinh; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên nhãn gây hậu quả nguy hiểm; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thuốc; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Phạm Dung
Bình luận