Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 26/01/2025 14:01
Thứ hai, 11/12/2023 11:12
TMO – Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12-13/12. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, cùng với chuyến thăm lịch sử và rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc (tháng 10/ 2022), sẽ tạo điều kiện thuận lợi và động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Chiều dài biên giới đường bộ lên tới gần 400 km, đi qua địa phận của 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Đặc điểm này đã mang lại cho hai nước có lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu. Trong nhiều năm vừa qua, Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Việt Nam - Trung Quốc không ngừng củng cố quan hệ, tăng cường hợp tác thương mại.
Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối hồi năm 2022, đã có rất nhiều sự thay đổi trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước. Các hoạt động về kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động thương mại biên giới nói riêng sôi động trở lại, nhiều cửa khẩu hoạt động trở lại như trước khi có đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ, tần suất thông quan tốt hơn và thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng. Kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên cũng có nhiều khởi sắc, đặc biệt là không khí sống hòa thuận giữa các dân tộc của hai đất nước, hai địa phương thân thiện hơn. Một số dự án đầu tư đã được triển khai ở khu vực này, kể cả đầu tư trong nước cũng như đầu tư của nước ngoài tại khu vực.
Năm 2022, thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, quy mô thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực đều giảm thì Trung Quốc là điểm sáng. Cụ thể, 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 55,98 tỷ USD, đảo chiều từ mức giảm 2,2% sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 43,65 tỷ USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2008, kim ngạch xuất - nhập khẩu 2 bên mới chỉ đạt 20,8 tỷ USD, đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hai nước đạt đến 175,5 tỷ USD, tăng hơn 8 lần.
Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Nông sản, thực phẩm là một trong những nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Trung Quốc. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 47,8 tỉ USD 11 tháng qua, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 18% so với cùng kỳ và thị trường này cũng chiếm tới 23% tỷ trọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Trước đó, sáng 28/6, tại Thủ đô Bắc Kinh (trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam-Trung Quốc. Diễn đàn do Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức. Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương và các cơ quan liên quan của Việt Nam khẩn trương tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời, đề nghị các bộ, cơ quan chức năng hai nước khẩn trương rà soát, hoàn thiện các hiệp định, khuôn khổ hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam sẽ thành lập Tổ công tác về thương mại và đầu tư để cùng các đồng chí Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động này thực chất, hiệu quả hơn.
Thủ tướng cho rằng hiện nay, trên tinh thần Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới, chúng ta phải đổi mới về tư tưởng, tổ chức thực hiện, cơ chế vận hành. Do đó cần có tổ công tác chuyên biệt để thúc đẩy vấn đề này. Chúng ta cần nỗ lực để hợp tác đầu tư thương mại, kinh tế đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 có thu nhập cao; đến 2045 là mục tiêu nước phát triển có thu nhập cao với những mục tiêu rõ ràng đòi hỏi quyết tâm cao, hành động quyết liệt. Muốn vậy phải xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn bè tốt, đối tác tốt; thực hiện nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa vào nguồn lực bên trong là chính; tập trung 3 đột phá chiến lược; thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch ngành, từ bài toán quy hoạch này mới ra các dự án, tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thuận lợi để phát huy, phát triển; chỉ ra được những mâu thuẫn, thách thức, hạn chế, yếu kém để tháo gỡ. Quy hoạch phải kết nối các vùng kinh tế với nhau. Việt Nam xác định lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; bảo đảm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo không gian cho nhà đầu tư phát triển.
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; doanh nghiệp phải môi trường, hệ sinh thái thì mới phát triển được. Theo đó, Việt Nam nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; đặc biệt là ưu tiên cho kiểm soát lạm phát… Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển mà nếu không kiểm soát được lạm phát thì sẽ rất khó khăn; nhưng kiểm soát lạm phát mà không thể tăng trưởng được cũng là vấn đề; phải bảo đảm các các cân đối lớn như điện, thị trường lao động phải được ổn định, cân đối; hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất.
Việc điều hành vĩ mô phải hài hòa, hợp lý, cân bằng, ổn định, lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải hỗ trợ lẫn nhau; đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân, FDI..., giúp doanh nghiệp ổn định và vượt qua khó khăn; bám sát tình hình bên trong và bên ngoài để kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; hiểu được sự vận động của kinh tế thế giới quan hệ với vấn đề chính trị… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam kiểm soát được lạm phát, khi đó tập trung vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Như Thủ tướng Lý Cường đã nói, thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc sẵn sàng chào đón các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam.
Về thương mại song phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới vì độ tin cậy chính trị, mối quan hệ lịch sử...; do đó phải nỗ lực để làm được điều này. Việt Nam cam kết làm hết sức mình để hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển hạ tầng để giảm chi phí, nâng chất lượng, nâng cao hiệu quả cho đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hiệu quả, bền vững, lấy công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá; khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển các công trình cơ sở hạ tầng chiến lược.
Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư Trung Quốc nâng cao phạm vi, đối tượng hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm và chúng ta quyết tâm lập những kỷ lục mới về phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại, cả về phát triển hạ tầng cứng và mềm cho Việt Nam. 20 năm qua, Trung Quốc tăng trưởng 2 con số thì cũng là 20 năm, Trung Quốc đầu tư phát triển mạnh cho hạ tầng. Trung Quốc có diện tích lớn, dân số đông, yêu cầu phát triển cao và mục tiêu đặt ra rất lớn, đều quyết tâm làm được.
Về các giải pháp, Việt Nam đang cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, ổn định, cạnh tranh theo đúng quy luật thị trường; rà soát các cơ chế, chính sách để điều chỉnh những gì hạn chế; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các ngành nghề mới nổi như công nghệ số, tăng trưởng xanh, logistics; tạo môi trường ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; ứng phó kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh vốn khó dự báo; do đó cần có kịch bản ứng phó những vấn đề phát sinh tác động trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về thương mại, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục thúc đẩy thương mại biên giới, nghiên cứu hình thành các khu thương mại biên giới phù hợp. Vấn đề là quyết tâm chính trị của chúng ta và hành động quyết tâm đến đâu. Thủ tướng hoan nghênh cửa khẩu thông minh giữa Lạng Sơn và Quảng Tây; nâng cấp các cửa khẩu để hoạt động tốt hơn. Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục đầu tư mở rộng ở Việt Nam.
[Việt – Trung]: Thúc đẩy quan hệ hợp tác lên tầm cao mới
QUỐC DŨNG
Bình luận