Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ năm, 29/08/2024 19:08
TMO – Hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu văn bản hướng dẫn, những nhà máy điện rác vốn đang thiếu nguyên liệu, nếu áp dụng quy định phân loại rác sẽ làm gia tăng tình trạng không có rác để đốt…là những khó khăn, vướng mắc và bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng khi áp dụng quy định phân loại rác tại nguồn.
Luật Bảo vệ môi trường quy định chậm nhất đến hết tháng 12/2024 các địa phương phải thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Theo quy định, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại thành 3 nhóm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Từ nay đến hết tháng 12/2024 chỉ còn khoảng 4 tháng, các địa phương đang tích cực chuẩn bị để sẵn sàng thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định và không ít địa phương đang thí điển triển khai. Tuy nhiên, việc phân loại rác tại nguồn hiện đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc khiến nhiều địa phương lúng túng. Theo tìm hiểu, những khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến các vấn đề, cụ thể như: Cơ chế, chính sách hỗ trợ, cũng như kinh phí và thiết bị vận chuyển, thu gom rác thải. Điều này đã dẫn đến tình trạng triển khai không đồng bộ; Nhà máy đốt rác phát điện chưa đủ rác để đốt, nếu phân loại rác thì nguy cơ thiếu rác càng lớn hơn; Hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết; Thiếu phương tiện, thiết bị, dụng cụ chuyên dụng phục vụ thu gom, vận chuyển rác…
(Ảnh minh họa)
Thực hiện theo lộ trình
Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, phân loại rác là vấn đề khó do phải thay đổi ý thức cộng đồng cũng như đòi hỏi nguồn lực đầu tư đồng bộ nên không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Hiện các tỉnh triển khai thí điểm, sau đó tổng kết và nhân rộng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tổng kết, trong tháng 9 báo cáo Chính phủ để gỡ một số vướng mắc.
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương. Luật đã giao chính quyền các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để quy định lộ trình, cách thức phân loại. Khi chưa đầy đủ hạ tầng thì tổ chức phân loại theo lộ trình, không cần thiết phải ra quân đồng loạt.
Do đó, các Sở Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng tham mưu, xây dựng, hoàn thiện dự thảo trình UBND cấp tỉnh ban hành Quy định về quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để làm cơ sở triển khai. Vì hiện nay mới chỉ có 50% số tỉnh, thành ban hành quy định này. Về vấn đề xử phạt đối với trường hợp không phân loại rác tại nguồn từ 1/1/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Nghị định 45/2022 theo hướng chỉ xử phạt các trường hợp không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của UBND cấp tỉnh.
PHẠM DUNG
Bình luận