Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ hai, 18/09/2023 14:09
TMO - Hàng nghìn hộ dân khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hoá đang sinh sống ở vùng có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, công tác di dời các hộ dân đang gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hiện có 6.276 hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất và 2.211 hộ dân đang sống khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, chủ yếu tại 11 huyện miền núi. Ngoài các hộ dân đang sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất và lũ quét, tỉnh Thanh Hoá vẫn còn 32.889 hộ dân đang sinh sống ở khu vực ven sông, cần phải sơ tán khi có lũ và 40.944 hộ đang sinh sống ở khu vực ven biển và cửa sông cần phải sơ tán khi có bão.
Tại huyện miền núi Như Thanh có 110 hộ sống trong khu vực nguy cơ ngập lụt khi mùa mưa bão về, trong đó chủ yếu là các hộ dân sống tại vùng thực hiện dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn 4 xã gồm Thanh Kỳ, Thanh Tân (huyện Như Thanh) và xã Yên Mỹ (huyện Nông Cống), xã Phú Sơn (thị xã Nghi Sơn). Tuy nhiên, dự án này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nên chưa thể bố trí vốn thực hiện tiếp.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 6.276 hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Ảnh: BA.
Tại huyện miền núi Cẩm Thủy, có 5 km đường bờ sông Mã, với gần 100 hộ dân sống ven bờ sông ở xã Cẩm Ngọc. Những năm qua do ảnh hưởng của thiên tai đã làm nhiều diện tích bờ sông Mã bị sạt lở. Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện Cẩm Thủy đã đầu tư, xây bờ kè dài 200 m bờ sông, tuy nhiên diện tích đường bờ sông còn lại tương đối lớn và có nguy cơ sạt lở mỗi khi mùa mưa bão về. Trên địa bàn huyện Cẩm Thủy có nhiều vị trí trọng điểm gây sạt lở bờ sông Mã, chủ yếu tại các xã như: Cẩm Giang, Cẩm Tú, Cẩm Ngọc, Cẩm Vân. UBND huyện Cẩm Thủy đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và di dân mùa mưa lũ năm nay.
Tại huyện biên giới Mường Lát, hàng chục hộ dân đang sinh sống dọc suối Na Tao và cầu tràn giao thông bản Na Tao đi bản Cơm, xã Pù Nhi (bắc qua suối Cơm) bị lũ cuốn trôi thấp thỏm lo âu. Bởi khi nước dâng sẽ bị chia cắt. Chính quyền địa phương đã rà soát, các hộ sống ven suối có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét và ngập lụt để xây dựng phương án xử lý.
Đối với huyện Lang Chánh, từ đầu năm 2023, các hộ dân sinh sống dưới chân đồi Na Lo, tại thôn Tân Lập, xã Tân Phúc phát hiện phía trên sườn đồi có vết nứt, đất sụt, trượt xuống. Qua kiểm tra chiều dài hơn hơn 60m, rộng khoảng 4cm, một số vị trí đã bị sạt trượt nguy cơ ảnh hưởng đến 18 hộ với 71 khẩu và 1 khu lẻ Trường Mầm non Tân Phúc. UBND huyện Lang Chánh đã chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra và xác định nguyên nhân của việc sạt trượt tại đồi Na Lo, thôn Tân Lập, xin nguồn kinh phí để sớm di dời người dân. Theo đó, huyện Lang Chánh đang triển khai dự án tái định cư để ổn định đời sống và sản xuất của 62 hộ dân tại xã Tam Văn (bản Lọng 40 hộ, bản Căm 22 hộ) bị ảnh hưởng của thiên tai do sạt lở đất và lũ quét.
Trong những năm qua, trước tác động của thiên tai đặc biệt là mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất... tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt nhiều dự án nhằm bố trí, di dời dân cư vùng nguy cơ cao xảy ra lũ quét đến nơi ở an toàn, chủ độn ứng phó với thiên tai. Cụ thể, ngày 30/12/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4801/QĐ-UBND phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; ban hành Quyết định số 2940/QĐ-UBND ngày 03/8/2018 phê duyệt Phương án sắp xếp, bố trí những hộ dân cư nhỏ lẻ và dân cư tại các vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai trên địa bàn các huyện miền núi, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025...
Để chủ động ứng phó với thiên tai trên địa bàn các huyện miền núi, các địa bàn khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4845/QĐ-UBND ngày 01/12/2021 phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu bố trí ổn định cho 2.846 hộ dân. Giai đoạn 2021-2023, thực hiện Quyết định số 4548/QĐ-UBND ngày 01/12/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh; các huyện miền núi đã tuyên truyền, vận động 145 hộ dân di chuyển theo hình thức tái định cư xen ghép và trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư 21 khu tái định cư tập trung, liền kề để sắp xếp ổn định cho 707 hộ dân.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới trên địa bàn miền núi của tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế, như: tiến độ thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021-2025 đạt thấp so với mục tiêu kế hoạch đề ra (tái định cư xen ghép mới bố trí được 145/584 hộ, đạt 24,82%; tái định cư tập trung, tái định cư liền kề mới bố trí được 165/653 hộ, đạt 25,26%).
Công tác khảo sát, lựa chọn một số điểm tái định cư chưa thật sự phù hợp; một số thôn, bản miền núi cao có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình chia cắt, không bằng phẳng, độ dốc lớn, dư địa dành cho đất ở không nhiều nên khó tìm được địa điểm làm khu tái định cư; một số trường hợp xây dựng điểm tái định cư phải thu hồi đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất nên vướng mắc về thủ tục đất đai, đầu tư.
Việc lập quy hoạch chung cấp xã, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương còn chậm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số nơi có lúc, có việc chưa quyết liệt, kịp thời. Việc lồng ghép, huy động các nguồn lực tham gia thực hiện sắp xếp, bố trí ổn định dân cư trên địa bàn các huyện miền núi còn hạn chế; vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động di dời đến chỗ ở mới an toàn...
Thanh Hóa tiếp tục triển khai Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Ảnh: TD.
Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên về lâu dài tỉnh cần có giải pháp di rời các hộ dân sống tại vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, góp phần xây dựng khu vực nông thôn, miền núi ngày càng phát triển hơn.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Từ đó, các đơn vị có thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các đơn vị, địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn…
Nguyễn Nam
Bình luận