Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 22:11
Thứ ba, 02/05/2023 12:05
TMO – Nguyên liệu đầu vào tăng rất cao do các vấn đề về xung đột của các nước, tác động của Covid-19…là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi gia cầm khiến nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm vừa qua, nhìn chung, tổng đàn gia cầm nói chung và đàn gà, đàn thủy cầm có xu hướng tăng. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, đó là, trong vài năm gần đây, người chăn nuôi phải bán giá sản phẩm gia cầm dưới giá thành sản xuất. Điều này thể hiện rõ nhất trong năm 2022, đặc biệt ở quý 4/2022 và quý I/2023, dẫn đến người chăn nuôi đang bị thua lỗ nặng.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng trên cả nước dao động từ 17-35.000 đồng/kg thịt hơi. Giá bình quân gà trắng từ đầu năm 2023 đến nay là 25.600 đồng/kg. Trong khi đó, thực tế, mức bình quân giá thành sản xuất thường rơi vào khoảng 29 nghìn đồng/kg. Đồng thời, giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp trong các tháng đầu năm có nhiều biến động theo xu hướng giảm. Trong tháng 1/2023, giá duy trì 39-43 nghìn đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33 nghìn đồng/kg và tăng lên 38 nghìn đồng/kg trong tháng 3. Sau đó, giảm còn 26 nghìn – 32 nghìn đồng/kg trong tháng 4.
Nhiều nguyên nhân khiến người chăn nuôi gia cầm đang bị thua lỗ. Ảnh minh họa
Theo lý giải của Cục Chăn nuôi, đó là do nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng rất cao do các vấn đề về xung đột của các nước, tác động của Covid-19, vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước của một số quốc gia,…Những điều này đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng lên. Ngoài ra, do sức sản xuất trong nước của nước ta hiện nay rất lớn. Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 3,4 triệu con gia cầm giống ông bà, với tỷ lệ nhân giống cao nên đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con và sản phẩm. Trong đó với sản phẩm gia cầm, sản lượng thịt hơi gia cầm trong giai đoạn 2018-2022 tăng bình quân hàng năm 17,63%, đối với gà trên 18%. Trong khi đó, sức tiêu dùng của 100 triệu dân ở trong nước có hạn do các bếp ăn tập thể, du lịch,…giảm xuống, khó khăn về việc làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên sức tiêu dùng hạn chế, dẫn đến cung lớn hơn cầu, kéo giá sản phẩm xuống.
Hiện nay, sản xuất của người dân đang chịu áp lực cạnh tranh của sản phẩm gia cầm nhập khẩu khi trong 5 năm gần đây, riêng sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục (trên 15%), chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khảu chính ngạch, hàng năm, một khối lượng lớn gà sống đẻ loại thải được nhập tiểu ngạch, theo ước tính của các chuyên gia khoảng 200-250 nghìn tấn/năm. Riêng năm 2022, gà sống nhập khẩu vào Việt Nam dùng để giết mổ 6.603 tấn thịt, tăng 100,8%; thịt gia cầm qua giết mổ nhập khẩu về Việt Nam là 24.662,1 tấn, tăng 9,6% so với năm 2021. Điều này gây sức ép rất lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm, gây khó khăn trong việc bán sản phẩm gia cầm của các doanh nghiệp nội, người chăn nuôi trong nước.
Do đó, để giảm giá thành sản xuất, tạo lợi nhuận cho người chăn nuôi gia cầm ở trong nước, giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Cục Chăn nuôi cho rằng, cần phát huy vai trò của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam. Đó là chúng ta tăng cường liên kết, phối hợp trong nội khối của hệ thống chăn nuôi gia cầm. Từ người bán giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối phải cùng liên kết với nhau theo chuỗi giá trị để thông qua sự liên kết đó đảm bảo đầu vào được giảm xuống, ít nhất trên 10%, sau đó, để đảm bảo ở khâu đầu ra. Theo ông Chinh, đây là yếu tố quan trọng nhất và khả thi nhất có thể thực hiện được ngay lúc này. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu để giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm gia cầm.
Các Bộ, ngành cần rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt rút ngắn thời gian giải quyết các văn bản, tránh làm mất đi cơ hội trong sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp. Trong đó, trước mắt kiến nghị xem xét bãi bỏ quy định chứng nhận và công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã được phép lưu hành tại Việt Nam. Việc thực hiện quy định công bố hợp quy gây lãng phí thời gian, nhân lực đối với doanh nghiệp do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lắp, phức tạp, làm tăng chi phí sản xuất như chi phí kiểm nghiệm, chi phí in lại bao bì, nhãn mác,…trong khi đó đã có các quy định pháp luật khác về kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm giá thành thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh khăn khăn hiện nay đối với ngành chăn nuôi.
Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 định hướng, đến năm 2030, duy trì tổng đàn gà có mặt thường xuyên từ 500-550 triệu con, trong đó, khoảng 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp; tổng đàn thủy cầm có mặt thường xuyên từ 100-120 triệu con, trong đó, khoảng 40% được nuôi theo phương thức công nghiệp. Sản lượng trứng khoảng 23 tỷ quả, thịt gia cầm chiếm 29-31% tổng sản lượng thịt xẻ các loại,…Để đạt được các mục tiêu trên, việc tiếp tục nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội, người chăn nuôi trong nước là việc cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sự phát bền vững của ngành chăn nuôi gia cầm.
Do đó, cần đảm bảo được người chăn nuôi có lãi để có điều kiện tái sản xuất. Đây là thời điểm chúng ta cần tiếp tục triển khai các giải pháp để tiếp tục giảm giá thành sản xuất thông qua việc nghiên cứu các giải pháp để chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thông qua việc quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm.
THANH BÌNH
Bình luận