Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ bảy, 05/11/2022 07:11
TMO – “Công trình xanh” tại Việt Nam xuất hiện đầu tiên vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên cho đến nay toàn quốc chỉ có khoảng trên 230 công trình được nhận chứng chỉ xanh. Đây là con số khiêm tốn so với số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua.
Bất động sản đóng vai trò quan trọng, khi nghiên cứu từ Savills Impacts năm 2022 cho thấy bất động sản chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí thải carbon toàn cầu. Việc giảm lượng khí thải carbon liên quan đến ngành này là rất cần thiết để đạt mục tiêu phát thải ròng đã đưa ra.
Tại các thị trường bất động sản đang phát triển như châu Phi, Ấn Độ, Trung Đông…việc giảm thiểu phát thải được ưu tiên trong phát triển dự án mới, sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường nhằm giảm lượng carbon. Trong khi đó tại các thị trường phát triển ở châu Âu, nơi nguồn cung dự án mới chỉ khoảng 1-2%, chính sách giảm phát thải tập trung chủ yếu vào nâng cấp những toà nhà cũ, bổ sung thêm các thiết bị thông minh nhằm tối ưu việc sử dụng năng lượng trong quản lý vận hành.
Không gian xanh trong văn phòng làm việc mang lại nhiều lợi ích.
Thống kê của Savills Impacts công bố năm 2022 cũng cho thấy, chỉ khoảng 22% các toà nhà văn phòng trên thế giới đạt chứng chỉ Xanh quốc tế như LEED, BREEAM hay WELL, con số này tại Los Angeles là 15%. Một số thành phố đạt trên 40% các công trình văn phòng đạt chứng nhận xanh có thể kể đến Warsaw, San Francisco và New York.
Đánh giá về nhu cầu đối với công trình xanh, các chuyên gia bất động sản cho rằng, đối với thị trường văn phòng, khách thuê doanh nghiệp hiện ưu tiên lựa chọn những tòa nhà có xếp hạng bền vững cao với mong muốn đạt được mục tiêu phát thải bằng “0”. Không chỉ là vấn đề chính sách của doanh nghiệp ngày nay phải có những hành động để thực sự cho nhân viên thấy rằng công ty nỗ lực với những cam kết bền vững của mình. Tiêu chuẩn xanh, do đó, càng trở thành một yêu cầu cần thiết, đặc biệt đối với các dự án bất động sản.
Theo các chuyên gia, để hiện thực hóa cam kết đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng bằng “0” cần ban hành thêm chính sách nhằm rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu. Riêng đối với bất động sản, số lượng những công trình xanh hiện nay được đánh giá là chưa tương xứng với những tiềm năng và yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong những năm qua trung bình đạt khoảng 9%/năm, tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, kéo theo áp lực gia tăng nhu cầu năng lượng sử dụng trong xây dựng. Về phát triển công trình xanh, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 233 công trình với tổng diện tích khoảng 6 triệu m2 sàn xây dựng - con số còn rất khiêm tốn so với số lượng công trình xây dựng và đưa vào hoạt động trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, các chủ đầu tư đã có những động thái chủ động hơn trong việc phát triển các dự án xanh.
Cũng theo các chuyên gia, riêng tại thị trường Hà Nội, từ nay đến 2024 sẽ có thêm khoảng 6 dự án văn phòng được nhận chứng chỉ xanh. Việc sử dụng vật liệu cải tiến, thân thiện với môi trường, xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng được đánh giá là phù hợp với xu thế của thế giới. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay một số tòa nhà văn phòng tốt nhất tại Hà Nội và TP. HCM đáp ứng các tiêu chí Xanh đều được đánh giá ở thứ hạng cao hơn các tòa nhà cũ. Do đó, nhu cầu đối với các bất động sản văn phòng sẽ hướng đến các tòa nhà có thể hỗ trợ họ đạt được những yêu cầu về môi trường. Việc lựa chọn tòa nhà không có các tính năng tối ưu năng lượng và giảm khí thải carbon thậm chí sẽ trở nên tốn kém hơn vì phụ phí phát thải CO2 của doanh nghiệp sẽ cao hơn.
Phạm Yến
Bình luận