Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 19:11
Thứ bảy, 11/12/2021 12:12
Hà Nội - Chuyển hướng chiến lược trong công tác phòng, chống dịch bệnh, để có thể hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 GRDP ở mức 7,0-7,5%, thành phố tập trung triển khai loạt nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, trong đó có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 của Chính phủ.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, tăng trưởng GRDP của Hà Nội trong năm 2021 ước đạt khoảng 2,92% (không đạt mục tiêu đề ra là 7,5%), tuy nhiên vẫn duy trì ổn định, cân đối thu – chi ngân sách được đảm bảo. Trong năm 2021 thu ngân sách nhà nước ước đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán.
(Ảnh minh họa)
Trong quý IV 2021, Hà Nội thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, với những giải pháp quyết liệt phục hồi kinh tế ngay sau khi kiểm soát dịch bệnh. Kết quả, doanh thu công nghiệp, thương mại, dịch vụ tháng 10, tháng 11 tăng mạnh so với các tháng quý 3 góp phần lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 3,63%); hoạt động thương mại, dịch vụ từng bước mở cửa trở lại, doanh thu tăng cao hơn so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh dịch bệnh, kết quả phát triển năm 2021 của Thành phố có 4 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế không đạt kế hoạch: Tăng trưởng GRDP 2,35%-3,0% (kế hoạch là 7,5%); GRDP/người 129 triệu đồng (kế hoạch là 135 triệu đồng); Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm 0,52% (kế hoạch tăng 12%); Kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2% (kế hoạch tăng 5%). Các lĩnh vực: Khách du lịch; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm sâu...
Những nhóm chính sách trong năm 2022
Hà Nội cũng đã xác định 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó tăng trưởng GRDP khoảng 7,0%-7,5%.
Với các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 và giải pháp thực hiện đã đặt ra, để có thể hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP ở mức 7,0%-7,5%, thành phố cần tập trung thực hiện một loạt nhiệm vụ trọng tâm gồm: Bảo đảm an sinh xã hội; Hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu đầu tư công và quản lý điều hành. Trong đó, triển khai gói đầu tư hệ thống y tế cơ sở dự kiến 1.000 tỷ đồng, để đảm bảo điều trị ban đầu từ cấp phường, xã.
Thành phố sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, trong đó ngoài việc giao rõ trách nhiệm của các Sở, ngành, đơn vị, cơ quan chuyên môn trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thì cũng xác định việc đẩy nhanh tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, cấp bách. Đặc biệt sẽ gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ và coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và thực hiện quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, nhất là các dự án lớn, trọng điểm.
Theo Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, năm 2022, Hà Nội tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ lớn, mang tính định hướng dài hạn phát triển Thủ đô, như: Báo cáo Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) vào kỳ họp Chính phủ tháng 9/2022; Hoàn thiện Quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2022.
Quốc Dũng
Bình luận