Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ ba, 01/02/2022 11:02
(Cao tốc Long Thành)
TMO - Các dự án cao tốc như Tân Phú - Bảo Lộc, Bắc Nam, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Tân Phú, cầu Rạch Miễu 2 sẽ được khởi công năm 2022.
Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025. Với kế hoạch xây mới 729 km, tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông dài 2.000 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ được hoàn thiện.
12 dự án có tổng chi phí 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công, giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe, trong đó giai đoạn một làm 4 làn xe. Riêng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau có quy mô 4 làn xe.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với hơn 20.900 tỷ đồng, trong đó đoạn đi qua tỉnh Lạng Sơn dài 52 km, đoạn qua tỉnh Cao Bằng dài 63 km. Dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn một từ nay đến năm 2024 xây dựng khoảng 93 km từ Lạng Sơn đến huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) với quy mô nền đường 17 m. Giai đoạn hai sau năm 2025 sẽ đầu tư tiếp khoảng 22 km đến cửa khẩu Trà Lĩnh.
Cầu Rạch Miễu 2
Dự án vượt sông Tiền, nối Tiền Giang với Bến Tre, có tổng đầu tư 5.200 tỷ đồng, dự kiến khởi công tháng 3. Xây cách cầu Rạch Miễu hiện hữu gần 4 km về phía thượng lưu, cầu Rạch Miễu 2 dài 17,6 km, điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (giao quốc lộ 1 với đường tỉnh 870) thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang; điểm cuối trên quốc lộ 60, đoạn gần cầu Hàm Luông thuộc Bến Tre. Vốn đầu tư dự án từ ngân sách Trung ương, trong đó kinh phí xây lắp, thiết bị hơn 3.000 tỷ đồng, còn lại dành cho giải phóng mặt bằng, quản lý. Hơn 62 ha đất thuộc Tiền Giang, Bến Tre sẽ được giải tỏa để thi công công trình.
Dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây
Dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào kế hoạch triển khai trong năm nay. Tuyến đường được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe đoạn gần 24 km từ nút giao An Phú đến vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai). Phần còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây dài 31 km giữ nguyên 4 làn xe như hiện nay. Riêng hai cầu lớn trên tuyến là Sông Tắc và Long Thành lần lượt được đề xuất mở rộng lên 10 và 9 làn. Các nút giao cũng được nghiên cứu kết nối đồng bộ với mở rộng cao tốc. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 13.000 tỷ đồng.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây
Cao tốc đi qua TP HCM và Đồng Nai đã khai thác giai đoạn một năm 2015. Những năm gần đây, tuyến đường thường quá tải vào các dịp lễ Tết do lượng xe tăng cao. Việc mở rộng cao tốc sẽ tăng khả năng khai thác, góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông khi sân bay Long Thành vận hành vào năm 2025.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công tư (PPP), tổng kinh phí hơn 19.610 tỷ đồng, triển khai từ năm 2021 đến 2026. Cao tốc dài 53,7 km, trong đó điểm đầu kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP Biên Hòa; điểm cuối tại km53+700 giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa; vận tốc thiết kế 100 km/h.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương
Cao tốc dài hơn 200 km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng được chia thành ba đoạn. Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phụ trách đoạn Dầu Giây - Tân Phú, giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 đoạn Tân Phú - TP Bảo Lộc và TP Bảo Lộc - Liên Khương. Chủ đầu tư hai dự án cao tốc là Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến khởi công năm nay.
Phạm Yến – Thu Quyên
Bình luận