Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 21:11
Thứ tư, 07/09/2022 11:09
TMO – Cơ quan Thanh tra của Bộ Công Thương vừa ban hành 18 Quyết định xử phạt các doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Theo cơ quan Thanh tra của Bộ Công Thương, thực hiện Quyết định 192/QĐ-BCT ngày 15/2/2022 của Bộ Công Thương, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra các đơn vị và có báo cáo kết quả thanh tra, lập biên bản vi phạm hành chính với các đơn vị có hành vi vi phạm.
Theo đó, cơ quan Thanh tra đã xử phạt hành chính 18 đơn vị kinh doanh xăng dầu. Trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành 18 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Thanh tra Bộ Công Thương đang tổng hợp xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu để trình lãnh đạo Bộ và dự kiến việc trình dự thảo ngay trong tháng 9/2022.
Thanh tra Bộ Công Thương khẳng định, việc xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp này được thực hiện theo đúng các quy định đã được nêu rõ tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Một số hành vi vi phạm hành chính của các thương nhân đầu mối cụ thể như sau: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định; ký hợp đồng đại lý xăng dầu/thương nhân nhượng quyền với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý xăng dầu theo quy định; thương nhân đầu mối có hành vi bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân; duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định...
Trong đó, 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép vì không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP hoặc Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, do đó đã có hành vi “Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định” quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP sửa đổi). Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định: Có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Mỗi năm, kể từ khi được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu tối thiểu 4 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cho đến khi đạt tối thiểu 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Lê Hùng
Bình luận