Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 13/04/2025 20:04
Thứ sáu, 11/04/2025 08:04
TMO - Dù mang lại hiệu quả cao, nhiều lợi ích. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai ‘Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp’, một số địa phương gặp khó khăn về vốn và hạ tầng.
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Chính phủ phê duyệt tháng 11/2023. Ngay sau đó, đề án được các địa phương triển khai thí điểm với sự hỗ trợ, chỉ đạo và đồng hành của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, đề án đã mang lại những kết quả tích cực, đồng thời khẳng định đây là hướng đi hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đơn cử, tại TP. Cần Thơ, địa phương này đã triển khai 6 mô hình nhân rộng tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai với tổng diện tích 170 ha. Tất cả các mô hình đều áp dụng giải pháp gieo sạ bằng cơ giới. Lượng giống gieo sạ: 60 kg/ha, giảm 40-50% lượng giống, phân bón giảm trên 30%, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả các mô hình đều áp dụng tốt giải pháp tưới ngập-khô xen kẽ.
Thực tế kết quả các mô hình cho thấy, năng suất lúa tại mô hình của Đề án cao hơn 0,3-0,7 tấn/ha so với nông dân canh tác theo phương thức truyền thống (vụ Hè Thu đạt 6,4 tấn/ha so với 5,7 tấn/ha ngoài mô hình; Thu Đông đạt 6,45 tấn/ha so với 5,8 tấn ngoài mô hình; Đông Xuân đạt trên 8 tấn/ha so với ngoài mô hình 7,5 tấn/ha.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp bước đầu mang lại nhiều hiệu quả, nhưng cũng ghi nhận không ít khó khăn, bất cập. Ảnh minh họa.
Tổng chi phí sản xuất ở mô hình giảm trung bình hơn 1 triệu đồng/ha; giá thành sản xuất ở mô hình giảm 252 đồng/kg; lợi nhuận mô hình điểm cao hơn đối chứng từ 1,3-6,5 triệu đồng/ha, tương đương 6,6-36,7%. Bên cạnh đó, mô hình tận dụng phụ phẩm rơm rạ, nông dân trồng nấm, làm phân hữu cơ thu nhập tăng thêm 33 triệu/ha/3 vụ; kết quả đo đạc phát thải khí nhà kính cho thấy mô hình giảm khí phát thải.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đánh giá và nhìn nhận thực tế rằng, việc triển khai đề án vẫn còn những khó khăn, thách thức, nhất là về hạ tầng. Theo đó, việc triển khai đề án ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; Hạ tầng thủy lợi đặc biệt là thủy lợi nội đồng còn chưa đáp ứng được yêu cầu về tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm; Liên kết sản xuất bước đầu đã được hình thành nhưng còn yếu; Người dân tham gia đề án chưa chủ động, vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ; Vốn đầu tư cho đề án, đặc biệt là các dự án vay vốn từ Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) chậm được huy động và chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định...
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” vừa diễn ra mới đây tại Cần Thơ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, Đề án đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả và khả thi.
Một trong những dấu ấn lớn nhất chính là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy và nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Theo đó, người dân đã từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tiếp cận và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như "1 phải, 5 giảm" (1 phải là phải sử dụng giống xác nhận, 5 giảm là giảm lượng giống, giảm sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước sử dụng và giảm tổn thất sau thu hoạch); "3 giảm, 3 tăng" (3 giảm là giảm giống, giảm phân, giảm thuốc; 3 tăng là tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và tăng chất lượng); quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời chú trọng hơn đến quản lý nước tưới theo phương pháp ngập-khô xen kẽ, quản lý phân bón hợp lý và quan tâm nhiều hơn đến việc giảm phát thải khí nhà kính. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng, hoàn thiện, chuẩn hóa và nhân rộng quy trình canh tác bền vững ngành sản xuất lúa của vùng.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp triển khai Đề án, điển hình như các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và nhiều địa phương khác đã nhân rộng các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa góp phần đáng kể trong giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua Đề án, đã hình thành các chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững. Một số doanh nghiệp lớn đã tích cực tham gia chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo chất lượng cao, hỗ trợ nông dân ngay từ khâu giống, vật tư đầu vào, đến bao tiêu sản phẩm đầu ra, bước đầu xây dựng chuỗi liên kết bền vững và minh bạch.
Những kết quả trên đây đã góp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Việt Nam và phù hợp với các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng của Việt Nam về "0" vào năm 2050, tạo tiền đề để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế theo hướng "xanh - phát thải thấp" và tiến tới áp dụng cho tất cả các ngành hàng nông lâm thủy sản, không chỉ là lúa gạo.
Về những hạn chế, bất cập, theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, một số địa phương còn lúng túng, nhất là trong bối cảnh đang sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp, dẫn đến tâm lý dè dặt trong tổ chức thực hiện, nhất là việc phê duyệt dự án và ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương cho người dân tham gia Đề án.
Việc xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ yêu cầu tưới tiêu, quản lý đồng ruộng chưa theo kịp tiến độ, trong khi đây là điều kiện tiên quyết để áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến. Một số nơi còn quá chú trọng vào mục tiêu hình thành và trao đổi tín chỉ carbon, chưa tập trung vào mục tiêu chính là chuyển đổi sản xuất bền vững, giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, việc phát triển các chuỗi liên kết bền vững vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là tiêu thụ lúa gạo. Hệ thống thủy lợi, hạ tầng logistics chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện triển khai Đề án trên diện rộng; sử dụng, xử lý phụ phẩm để giảm phát thải (rơm, rạ) vẫn chưa được triển khai hiệu quả, mới chỉ thí điểm một số mô hình, lượng xử lý còn ở mức thấp. Việc xây dựng tài chính xanh, nguồn vốn ưu đãi dành cho các mô hình giảm phát thải, hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, vẫn còn hạn chế và cần được thúc đẩy mạnh mẽ.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt Đề án, ban hành chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền và điều kiện của mình để triển khai thực hiện Đề án; tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững theo lộ trình, xác định diện tích các vùng canh tác và cả các vùng đệm.
Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai cụ thể theo từng vùng sinh thái, gắn với điều kiện sản xuất thực tế và tiềm năng thị trường tiêu thụ; ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, phát triển các mô hình tưới tiết kiệm nước; đồng thời cải thiện hạ tầng kho chứa, logistics để giảm thất thoát sau thu hoạch. Tập trung hỗ trợ các mô hình giảm phát thải từ ngân sách địa phương. Bổ sung các dự án, nhiệm vụ này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 của địa phương. Xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân theo chuỗi giá trị, xác định mô hình liên kết là một trong những điều kiện tiên quyết để các chủ thể tham gia chuỗi liên kết được hưởng hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong quá trình quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
PHƯƠNG ĐIỀN
Bình luận