Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 07:11
Thứ sáu, 12/04/2024 08:04
TMO – Cơ quan chức năng sẽ tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời sẽ rà soát, kiểm tra các địa phương đã và đang triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn để xem địa phương có thực hiện theo đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường hay không.
Theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay đã có 16 tỉnh/thành phố ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, khoảng 30 địa phương bắt đầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Bên cạnh xây dựng hành lang pháp lý, đầu tư hạ tầng thì việc nâng cao nhận thức để người dân, nhà quản lý hay doanh nghiệp đều hiểu phân loại rác tại nguồn phải trở thành thói quen là điều quan trọng và cần thiết. Việc tuyên truyền vận động phải được thực hiện bài bản có chiến lược, thường xuyên và liên tục. Đồng thời, công tác tuyên truyền phải tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức. Xây dựng các chương trình, phong trào, chiến dịch, sự kiện truyền thông với quy mô và hình thức đa dạng, nhằm tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý đối với phong trào chống rác thải nhựa tổng thể.
(Ảnh minh họa)
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, để công tác tuyên truyền, hướng dẫn phân loại đạt hiệu quả, các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc phải mất hàng chục năm, thậm chí để tạo thành thói quen phân loại rác đúng quy định, việc tuyên truyền kéo dài cả một thế hệ. Do vậy, chúng ta không nên quá sốt ruột, phải đi theo lộ trình và lộ trình đó phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Vấn đề là phải làm, đầu tiên là ban hành các văn bản quy định rồi triển khai hướng dẫn.
Để tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải tại nguồn hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thành và ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát, kiểm tra các địa phương đã và đang triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn để xem địa phương có thực hiện theo đúng các quy định của Luật hay không. Bộ TN&MT cũng sẽ phối hợp với các địa phương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ để có hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác.
Bên canh đó, sẽ tiến hành và đề nghị các địa phương tiến hành đồng thời việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đối với công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Tổ chức đào tạo, tập huấn các lớp tuyên truyền viên. Mỗi địa phương thành lập tổ, nhóm, đội tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động người dân theo từng địa bàn, khu vực để tổ chức phân loại theo quy định. Thông qua chương trình này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân.
HẢI YẾN
Bình luận