Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ hai, 14/11/2022 08:11
TMO - Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm đi đầu trong khu vực về kế hoạch cấp nước an toàn, tạo ra lợi thế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6 (SDG 6 - quản lý an toàn cấp nước).
Tuy nhiên, do chưa có luật cấp, thoát nước, cấp nước an toàn được chưa luật hóa, dẫn tới cơ chế tài chính và chế tài bắt buộc chưa được xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam chưa có thông tư riêng về cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn; chưa có hệ thống theo dõi, cơ sở dữ liệu, đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn trên toàn quốc. Theo giới chuyên gia, các cấp, các ngành cần tiếp hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng nước địa phương... để tạo dựng các cơ sở bảo đảm tính bền vững của kế hoạch cấp nước an toàn,
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hoạt động bảo đảm cấp nước an toàn khu vực đô thị đã đạt được một số kết quả tích cực. Tổng công suất thiết kế các nhà máy nước đô thị toàn quốc đạt khoảng đạt 11,6 triệu m3/ngày đêm. Tỉ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt khoảng 92%.
Cần xây dựng Thông tư hướng dẫn sử dụng nước sạch nông thôn. Ảnh: H. Giang
Tuy nhiên, việc kiểm soát cơ sở dữ liệu để vận hành hệ thống cấp nước tại các địa phương chưa đồng bộ hóa về ứng dụng công nghệ thông tin, vẫn vận hành hệ thống mạng lưới thủ công và bán thủ công. Do đó, cần định hướng kiểm soát tốt hiện trạng mạng lưới cấp nước và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý hệ thống cấp nước để từng bước hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quản lý vận hành mạng lưới cấp nước hướng đến mục tiêu quản lý áp lực, lưu lượng, chất lượng nước toàn diện theo thời gian.
Để đạt mục tiêu phát triển bền vững về tiếp cận nước uống an toàn, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng quy chuẩn này bị chậm tiến độ. Hiện trên cả nước mới chỉ có 37 quy chuẩn kỹ thuật địa phương do nhiều địa phương lúng túng trong quy trình xây dựng kế hoạch, thu thập số liệu, lựa chọn thông số, kinh phí thực hiện.
Các chuyên gia đề xuất, cần xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ đơn vị cấp nước lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn; cơ sở dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và cấp tỉnh nhằm kiểm soát, đánh giá kết quả việc thực hiện cấp nước an toàn. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ liên ngành từ Trung ương đến địa phương nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến cấp nước an toàn; hướng dẫn đánh giá hiệu quả việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, bước đầu nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá làm cơ sở cho công tác xây dựng quy định về cấp chứng nhận cho hệ thống cấp nước bảo đảm cấp nước an toàn. Tập trung nghiên cứu việc xây dựng luật cấp, thoát nước, trong đó có quy định liên quan đến bảo đảm cấp nước an toàn.
Tú Quyên
Bình luận