Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ ba, 08/11/2022 08:11
TMO - Do nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức, pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn nhiều bất cập, chưa hoàn thiện, chưa chuyên nghiệp, lỏng lẻo trong quản lý đô…dẫn đến công tác quy hoạch, quản lý đô thị còn tồn đọng nhiều bất cập.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý phát triển đô thị thời gian qua đã được các cấp, ngành quan tâm, ngày càng đi vào nền nếp. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế của công tác này.
Cụ thể, còn một số quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn; chưa đồng bộ, chưa gắn kết với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…). Việc điều chỉnh quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, nhiều nơi còn tình trạng phát triển đô thị theo chiều rộng, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt tại các thành phố lớn...
Những năm gần đây, "vấn nạn" ngập úng không chỉ xảy ra ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM, tình trạng này đã xuất hiện tại hầu hết các thành phố trực thuộc các tỉnh sau mỗi trận mưa lớn. Ảnh: TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai ngập sâu sau trận mưa lớn ngày 5/7/2021.
Về nguyên nhân, Bộ Xây dựng cho rằng do nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức; pháp luật về quy hoạch đô thị còn bất cập; pháp luật về quản lý phát triển đô thị chưa hoàn thiện; công tác quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, có nơi còn lỏng lẻo; việc đầu tư còn dàn trải, thiếu đồng bộ; chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.
Để giải quyết những tồn đọng nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng cần hoàn thiện thể chế, pháp luật bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị với pháp luật khác; nâng lên năng lực quản lý và đội ngũ làm công tác quy hoạch đô thị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị. Nghiên cứu các công cụ để quản lý các đô thị hiện hữu, phát triển mới, các quy định về tái thiết, cải tạo khu vực đô thị cũ, xuống cấp; đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị gắn với vị trí địa lý, chức năng, vai trò và đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội để tạo điều kiện phát huy tối đa các lợi thế phát triển của mỗi đô thị như: Đô thị vùng núi, đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị cửa khẩu, đô thị công nghiệp, đô thị sinh thái, đô thị du lịch, đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị di sản, đô thị sân bay.
Lê Hùng
Bình luận