Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 00:11
Thứ năm, 01/06/2023 14:06
TMO - Quá trình đô thị hóa nhanh, dẫn đến lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng hơn 60 nghìn tấn rác thải, tuy nhiên chỉ có 15% được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng.
Cả nước hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, nhưng chưa đến 20% trong số đó bảo đảm hợp vệ sinh. “Đây không chỉ là gánh nặng về môi trường mà còn “đẩy” Việt Nam vào nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới”. Theo các chuyên gia, tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số máy móc, thiết bị cũ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.
(Ảnh minh họa. Nguồn: N.Q)
Rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn. Thế nhưng, các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ và chính thức hóa. Nguyên nhân là do thiết bị thu gom, vận chuyển chưa phù hợp với rác thải được phân loại. Nhiều nơi áp dụng một phương pháp xử lý cho tất cả các rác thải được thu gom; kinh phí thực hiện phân loại rác tại nguồn còn cao. Luật Bảo vệ môi trường quy định rác thải phân loại tại nguồn. Tuy nhiên, khi phân loại xong sau đó xử lý sản xuất tái chế ra sao, việc sử dụng đầu ra của sản phẩm tái chế như thế nào lại chưa quy làm rõ.
Những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong phân loại rác và không sử dụng bao bì chứa rác đúng quy định có hiệu lực kể từ tháng 8/2022 nhưng chưa có những phương án chi tiết, hành động cụ thể nên vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, việc xử lý rác nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích đầu tư xã hội hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Rác thải nếu được phân loại và tận dụng triệt để giá trị cũng là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt cũng chính là một trong những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Do đó, nhiều chuyên gia kiến nghị cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định rõ lộ trình với những biện pháp cụ thể, phù hợp, khả thi hơn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu tăng cường hơn nữa các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp trong xử lý, tái tạo chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.
PHẠM DUNG
Bình luận