Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 00:11
Chủ nhật, 02/10/2022 16:10
TMO - Nhiều vướng mắc trong chính sách pháp luật đã khiến công tác ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) gặp khó khăn; cần có các cơ chế hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong ban hành các quy định chuyên ngành để đảm bảo tính đồng nhất.
Việt Nam là một trong 25 nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với khoảng 3.000 loài cá, hơn 1.000 loài chim và hơn 300 loài thú. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã đã và đang gia tăng, làm suy thoái sinh cảnh tự nhiên, gây mất đa dạng sinh học; tạo ra áp lực lớn cho công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD tại Việt Nam đang trở thành vấn đề cấp bách. Để giải quyết được vấn đề này, cần phải có sự chung tay của tất cả các cấp, ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng với những hành động thiết thực để bảo vệ các loài động vật hoang dã, quý hiếm, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Các tổ chức xã hội đã đóng góp rất lớn vào công tác bảo vệ đa dạng sinh học và ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ ĐVHD bất hợp pháp tại Việt Nam.
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện có nhiều vướng mắc trong các luật như: Luật Đa dạng sinh học (2008); Luật Lâm nghiệp (2017); Luật Thủy sản (2017). Trong đó, các cơ quan bảo tồn gặp khó khăn trong việc xác định các định nghĩa về loài, các tiêu chí về các khu bảo vệ…Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) cũng còn nhiều vướng mắc khi chưa có hướng dẫn cụ thể về số lượng động vật tối thiểu cho một vụ việc và trong một vụ có nhiều nhóm động vật khác nhau thì việc tính số cá thể cộng dồn được thực hiện thế nào; việc định giá sẽ được thực hiện ra sao cho một loài, nhóm động vật mà không có giá trên thị trường; thiếu cơ sở và điều kiện lưu giữ tang vật, đặc biệt là động vật sống - vật chứng bị hư hỏng, thất thoát…
Về giải pháp, các chuyên gia khuyến nghị cần bổ sung, sửa đổi các quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính; quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vấn đề bảo vệ động, thực vật hoang dã và bảo tồn thiên nhiên.
Đặc biệt, cần có các cơ chế hợp tác bắt buộc giữa 2 Bộ nêu trên trong ban hành các quy định chuyên ngành để đảm bảo tính đồng nhất. Hợp nhất các Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi và bổ sung bởi Nghị đinh 84/2021/NĐ-CP) và Nghị định 160/2013/NĐ-CP (Điều 7 được sửa đổi bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP). Nghị định mới cần có 1 danh mục loài; cách quản lý, trách nhiệm của 2 bộ và thống nhất thực hiện ở địa phương.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động gây nuôi thương mại ĐVHD và triệt tiêu được tình trạng gian lận trong công tác quản lý gây nuôi động vật, giải pháp khả thi là cần ban hành danh mục các loài ĐVHD được phép gây nuôi thương mại và giới hạn hoạt động nuôi thương mại trong những loài thuộc danh mục này. Ngoài ra cũng cần áp dụng các nghị định, thông tư có chế tài liên quan đến ĐVHD có tính chất răn đe. Ví dụ như, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các hoạt động nhập trái phép, hoặc nhập loài xâm hại có thể bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; Điều 246 của Bộ luật Hình sự quy định người nhập khẩu hoặc phổ biến các loài ngoại lai xâm lấn (các cửa hàng, người nuôi, người sưu tập…) có thể bị phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng, hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù tới 7 năm.
Lý Lan
Bình luận