Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 14:01
Thứ sáu, 12/07/2024 21:07
TMO - Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Yên Bái đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển; thu hút đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (vừa được Chính phủ phê duyệt) đặt mục tiêu triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Yên Bái, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra. Ngoài ra, xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực, chương trình, dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.
Kế hoạch đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển; thu hút đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
(Ảnh minh họa)
Nghiên cứu, triển khai chương trình hỗ trợ nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư tiềm năng, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn; tiếp tục kêu gọi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm sản, trồng rừng kinh tế, phát triển du lịch… Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu du lịch, khu, cụm công nghiệp như: cấp điện, nước, đường giao thông; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư đúng tiến độ đề ra.
Kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính.
Nâng cao chất lượng hệ thống các trường học và đội ngũ giáo viên, học sinh; phát triển thị trường lao động theo hướng ưu tiên phát triển lao động trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo; củng cố chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp; tập trung ưu tiên hỗ trợ đào tạo doanh nhân, các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết hợp với các cơ sở đào tạo nghề thực hiện các chương trình và hình thức đào tạo, đào tạo lại gồm cả nâng cao kỹ năng tác nghiệp hướng tới tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm đáp ứng tình hình mới.
Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế của địa phương theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển cách mạng công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số… Khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua công cụ chính sách tín dụng, thuế, trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội đối ứng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ngân sách nhà nước tài trợ một phần kinh phí; ưu tiên đầu tư ngân sách để nâng cao năng lực các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm...
Trước đó, ngày 18/9/2023, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 14,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 39%; dịch vụ chiếm khoảng 41,5%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 4,7%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 125 triệu đồng. Tốc độ tăng dân số trung bình đạt 0,92%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 giảm bình quân 3,3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; giai đoạn 2026 - 2030 giảm bình quân 2 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo từng thời kỳ...
Đến năm 2050, tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị đồng bộ, thông minh, hiện đại; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Môi trường sinh thái được bảo vệ, xã hội hài hòa với thiên nhiên. Đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc.
Về nông, lâm nghiệp, thủy sản, tỉnh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh. Tỉnh phát triển lâm nghiệp đa mục tiêu, nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng; phát huy lợi thế so sánh, sự đa dạng các vùng sinh thái, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản, hữu cơ, OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu...
Công nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: chế biến nông lâm sản gắn với khai thác, phát triển vùng nguyên liệu, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao, đưa Yên Bái trở thành một trong các trung tâm chế biến lâm sản của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; khai thác và chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển hợp lý một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động địa phương.
Về dịch vụ, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như: Du lịch, thương mại, giáo dục, đào tạo nghề, y tế, chăm sóc sức khỏe, tài chính, ngân hàng, logistics, vận tải,... theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Tỉnh phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, trở thành ngành kinh tế quan trọng; hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, đưa Yên Bái trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực Tây Bắc với thương hiệu "điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng".
BÙI HOÀNG
Bình luận