Hotline: 0941068156
Thứ hai, 27/01/2025 20:01
Thứ sáu, 28/10/2022 08:10
TMO - Giai đoạn 2031 - 2050, Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra 4 nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá gồm: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị, hạ tầng số, bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng văn hóa, xã hội; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế;
Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là điểm nhấn về kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh; Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.
Trước đó, ngày 25/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Quốc hội xem xét thông qua. Ngoài mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu xây dựng hoàn thành, Nghị quyết 138 còn nêu rõ tổ chức không gian phát triển theo 06 vùng, gồm: Vùng trung du và miền núi phía bắc, gồm 14 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình. Vùng trung du và miền núi phía bắc chia thành 02 tiểu vùng Đông Bắc và Tây Bắc).
Vùng đồng bằng sông Hồng, gồm 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh). Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, gồm 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chia thành 02 tiểu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ).
Vùng Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng). Vùng Đông Nam Bộ, gồm 6 tỉnh, thành phố (TP. HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh).Vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm 13 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau).
Thiên Lý – Tú Quyên
Bình luận