Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ năm, 26/09/2024 07:09
TMO - Nhật Bản đã gặp khó khăn với việc thiếu gạo trong vài tháng gần đây do thời tiết xấu, lượng du khách tăng cao, và các chính sách hạn chế liên quan đến sản xuất lúa gạo của nước này.
Theo một báo cáo, nguồn cung gạo tại Nhật đã chạm đáy trong hơn 20 năm, song cầu lại vượt xa cung khiến kệ gạo trong các siêu thị, cửa hàng nước này luôn trong tình trạng trống trơn. Giá gạo đã tăng lên 16.133 yen (112,67 USD) mỗi 60 kg trong tháng 8, tăng 3% so với tháng trước và tăng 5% so với đầu năm.
Các kệ gạo trống rỗng tại một siêu thị ở Yokohama những ngày cuối tháng 8/2024.
Dữ liệu từ Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản (MFAA) cho thấy, tồn kho gạo tư nhân của nước này chỉ còn 1,56 triệu tấn vào tháng 6, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Chính phủ phải thuyết phục người dân không tích trữ gạo, tuy nhiên, người tiêu dùng Nhật Bản vẫn đang cố gắng tích trữ thêm gạo để chuẩn bị cho mùa bão và cảnh báo động đất lớn. Trong tháng 8, nhiều siêu thị tại Nhật thường xuyên cháy hàng gạo trắng dù giá tăng vọt. Do đó, các cửa hàng đã phải giới hạn mỗi người chỉ được mua một túi
Trong nửa đầu năm nay, Nhật Bản đã đón 17,8 triệu lượt khách du lịch, vượt xa số lượng trước đại dịch. Xu hướng này vẫn tiếp tục với 3,3 triệu lượt du khách trong tháng 7, mức cao nhất từng được ghi nhận theo thống kê du lịch Nhật Bản. Ngoài ra, sản lượng gạo tại Nhật Bản sụt giảm do nông dân trồng lúa lớn tuổi nghỉ hưu và ngày càng ít người trẻ chọn nghề này. Chuỗi nắng nóng và hạn hán trong nửa cuối năm ngoái cũng làm giảm sản lượng thu hoạch.
Các chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho rằng chính sách về lúa gạo của Nhật Bản vẫn là yếu tố chính góp phần làm giảm nguồn cung ứng gạo. Nhật Bản áp mức thuế 778% đối với gạo nhập khẩu nhằm bảo vệ nông dân trồng lúa trong nước. Dù Nhật Bản cam kết nhập khẩu tối thiểu khoảng 682.000 tấn gạo mỗi năm theo thỏa thuận với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), lượng gạo này phần lớn không đến tay người tiêu dùng Nhật Bản mà chủ yếu được sử dụng trong chế biến và làm thức ăn cho gia súc.
Minh An
Bình luận