Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 06/03/2023 12:03
TMO - Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã vượt quá khả năng xử lý rác thải của thành phố. Trước thực trạng trên, nhằm kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường do khối lượng rác thải ùn ứ, UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, trong năm 2022, thành phố đã thu gom, vận chuyển, xử lý hơn 238.000 tấn rác, trung bình hơn 653 tấn/ngày. Trong đó, lò đốt rác tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ xử lý trung bình hơn 103 tấn/ngày; Nhà máy xử lý rác EB ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai xử lý khoảng 500 tấn/ngày.
Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn trên địa bàn khoảng 700 tấn/ngày, đã vượt xa khả năng xử lý. Nhu cầu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tồn đọng tại các bãi hiện hữu khoảng 801.000 tấn, rất cần biện pháp xử lý triệt để. Những ngày qua, tình trạng rác thải ùn ứ trên địa bàn khiến người dân bức xúc nguyên nhân do trước đây, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt EB (tiếp nhận rác thải từ 5h - 24h hàng ngày. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 15/2 nhà máy này chỉ tiếp nhận rác từ 5h - 13h hàng ngày (đúng theo hợp đồng). Việc này dẫn đến tình trạng dôi dư rác tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển tại các quận, huyện, đặc biệt là điểm tập kết rác tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều đã tạo thành điểm nóng ô nhiễm về môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.
Tại quận Ninh Kiều, mỗi ngày địa bàn chuyển về nhà máy xử lý rác EB khoảng 300 tấn. Do thời gian nhận rác bị rút ngắn, cộng với lượng rác xử lý ở đây giảm, khiến mỗi ngày quận tồn từ 50-60 tấn, buộc phải chứa tạm ở một số điểm trên đường Trần Phú, khu dân cư Thới Nhựt... Tổng lượng rác tồn ở Ninh Kiều đang hơn 1.700 tấn, với lượng ùn ứ hàng ngày như trên, 7 ngày nữa quận này sẽ ứ đọng trên 2.000 tấn rác.
Tại huyện Thới Lai những tháng cuối năm 2022, đầu 2023, địa phương thường xuyên bị ứ đọng rác ở khu dân cư, khu tập kết. Huyện kiến nghị thành phố sớm đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; chỉ đạo các sở, ngành cấp kinh phí thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch, kêu gọi chủ đầu tư quan tâm tham gia thực hiện dự án.
Bãi tập kết rác tạm dưới gầm cầu Bình Thủy 2, quận Bình Thủy được sắp xếp gọn lại sau phản ánh của người dân. Ảnh: TL.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, điểm tập kết rác ở phường An Khánh (quận Ninh Kiều) đã trên 1.000 tấn, các đơn vị liên quan đã họp thống nhất chuyển tạm lượng rác này về bãi rác ở huyện Cờ Đỏ. Trong thời gian bảo trì của Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt EB là 35 ngày thì mỗi ngày dôi dư khoảng 200 tấn rác, tổng cộng sẽ tồn đọng khoảng 7.000 tấn, cộng với lượng đang tồn đọng của quận Ninh Kiều là khoảng 9.000 tấn.
Trước tình trạng trên, Sở TN&MT thành phố kiến nghị UBND thành phố một số nội dung như đề nghị Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt EB kéo dài thời gian tiếp nhận rác như cũ; chấp thuận cho quận Ninh Kiều lập dự toán chi phí thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường khi vận chuyển rác thải đến chứa tạm tại bãi rác ở huyện Cờ Đỏ trong thời gian EB bảo trì. Thời gian thực hiện từ ngày 6-3-2023 đến khi hết lượng rác tồn; Chấp thuận cho huyện Cờ Đỏ nâng cấp, cải tạo hạ tầng khu xử lý rác tại xã Đông Thắng để tiếp nhận thêm rác thải dôi dư…
Để tháo gỡ việc dôi dư 200 tấn/ngày hiện nay, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu, khi công ty xử lý rác ở huyện Cờ Đỏ chỉ đảm bảo đốt 150 tấn/ngày, Sở TN&MT phải có trách nhiệm liên hệ các đơn vị có chức năng xử lý 50 tấn còn lại, không để tồn đọng rác trong dân. Người đứng đầu UBND thành phố giao huyện Cờ Đỏ có giải pháp xử lý để đảm bảo tải trọng cho cầu vào khu xử lý rác của huyện. Công ty xử lý rác khẩn trương mua vật tư để chuẩn bị cho việc nhận rác liền…
UBND thành phố chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động người dân để rác đúng thời gian quy định, cần áp dụng các quy định xử lý, biện pháp chế tài để người dân nghiêm túc thực hiện, tránh tình trạng rác thải tập trung gây mất mỹ quan đô thị. Ðối với các đơn vị thu gom lấy rác chậm trễ cũng phải bị xử lý nghiêm theo hợp đồng đã ký kết; đặc biệt các quận, huyện phải yêu cầu đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển rác đảm bảo phương tiện, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu thu gom, quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng ùn ứ gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho người dân.
Ðối với các nơi chứa rác công cộng phải có giải pháp giám sát, chế tài để hình thành thói quen tốt cho người dân, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi. Các quận, huyện cần quy hoạch các điểm trung chuyển rác, xây dựng các điểm tập kết rác phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, thiết kế xây dựng đạt chuẩn, không để người dân phản ứng khi hoạt động.
Đức Nam
Bình luận