Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ năm, 04/07/2024 08:07
TMO - Những năm qua, phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều phong trào, mô hình thiết thực để phân loại, thu gom rác thải, góp phần ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm.
Từ năm 2023 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Sơn La đã phát động xây dựng, nhân rộng mô hình Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu để gây quỹ tình thương. Bước đầu thực hiện, mô hình đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong thu gom rác thải nhựa, xây dựng môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Hội LHPN thành phố cho biết, xuất phát từ thực tế trong sinh hoạt hàng ngày, các loại phế liệu như vỏ lon, chai nhựa… sau khi sử dụng thường vứt bừa bãi, gây lãng phí, lại ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị, cảnh quan môi trường. Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, phường triển khai xây dựng mô hình Ngôi nhà xanh nhằm thu gom rác thải nhựa, gây quỹ ủng hộ hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Qua hơn 1 năm thực hiện, đến nay, 100% cơ sở Hội trên địa bàn các xã, phường toàn thành phố đã xây dựng mô hình Ngôi nhà xanh với 64 mô hình. Tại một số xã phường, mô hình Ngôi nhà xanh được đặt tại các nhà văn hóa tổ, bản; còn lại các hộ gia đình tự phân loại rác thải, đều đặn hàng tuần, chị em phụ nữ trên địa bàn tổ, bản lại mang phế liệu của gia đình đến nhà văn hóa tập kết, thu gom để bán gây quỹ. Mô hình được chị em hội viên trên địa bàn tham gia rất tích cực, ai cũng có ý thức thu gom phế liệu. Mỗi bao rác tái chế, phế liệu của hội viên phụ nữ mang đến Ngôi nhà xanh đều mang một ý nghĩa lớn, đó là tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau.
Từ khi triển khai mô hình này, ý thức thu gom, phân loại rác thải, giữ gìn môi trường sống của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố đã thay đổi rất nhiều, góp phần vào phong trào xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp và nông thôn mới của địa phương, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, tạo thói quen phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, hình thành thói quen tiết kiệm, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư. Trong thời gian tới, Hội LHPN thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các xã, phường duy trì, nhân rộng mô hình hơn nữa, nhằm lan tỏa hành động đẹp, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.
Mô hình "Ngôi nhà xanh" được nhân rộng triển khai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn huyện Mai Sơn đã thành lập được 37 mô hình "Ngôi nhà xanh" tại 13 xã, thị trấn, với trên 1.500 hội viên tham gia. Tại các xã Chiềng Mung, Chiềng Sung, thị trấn Mai Sơn..., hội viên phụ nữ và người dân đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, như thu gom vỏ lon, chai nhựa ở nơi làm việc, nhà hàng, quán ăn, trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động thu gom vỏ chai, nhựa cho "Ngôi nhà xanh". Khi "Ngôi nhà xanh" đầy, các chị đem bán gây quỹ để thăm hỏi, hỗ trợ hội viên, phụ nữ, trẻ em yếu thế trên địa bàn.
Cùng với việc triển khai mô hình trên, Hội LHPN Mai Sơn đã đẩy mạnh phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình gắn với phong trào "3 sạch" - sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ. Mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 2 - 3 thùng rác để phân loại, có thể tận dụng các đồ dùng cũ như xô, chậu, thùng đựng sơn, bao dứa cũ, sọt tre... làm dụng cụ lưu chứa phù hợp, giúp tiết kiệm chi phí. Huyện Mai Sơn hiện có hơn 150 mô hình chung tay, phân loại thu gom, xử lý rác thải; đã vận động gần 25.000 hộ đào hố rác, 704 hộ đào hố ủ phân hữu cơ, trên 29.900 hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn...
Hội viên hội phụ nữ các địa phương đẩy mạnh phong trào thu gom, phân loại rác thải trên địa bàn. Ảnh: NN.
Tại huyện Yên Châu, mô hình “Ngôi nhà xanh - Biến rác thải thành tiền”, được Hội LHPN huyện triển khai và nhân rộng tại các xã Lóng Phiêng, Sặp Vạt, Chiềng Đông, Chiềng Khoi và Chiềng Pằn. Thực hiện mô hình, góp phần nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và nhân dân về chống rác thải nhựa, phân loại rác thải, không xả rác bừa bãi... Toàn bộ số tiền thu được, được Ban quản lý mô hình ghi chép, kê khai rõ ràng để gây quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo, người già neo đơn không nơi nương tựa, đỡ đầu các cháu thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn xã.
"Ngôi nhà xanh" thường được thiết kế bằng khung sắt, có mái che bằng tôn, lưới mắt cáo quây quanh. Diện tích trung bình từ 1 - 2m2, được đặt ở vị trí phù hợp, thuận lợi cho người dân xung quanh bỏ rác tái chế. Mỗi "Ngôi nhà xanh" đều gắn với ý nghĩa, thông điệp của mô hình như: "Hãy cho tôi xin rác thải nhựa, lon nước, giấy bìa cát-tông", "Nâng cao ý thức của hội viên và nhân dân trong việc phân loại rác thải", "Tận dụng rác thải tái chế nhằm gây quỹ ủng hộ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn"...
Trước những hiệu quả từ mô hình trên mang lại, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cho hội viên tham gia bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện hiệu quả các cuộc vận động do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh hoạt động trồng rừng và bảo vệ rừng, hạn chế sử dụng túi nilon, thu gom và xử lý chất thải, rác thải, làm nhà vệ sinh, hố rác theo quy định, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Nguyễn Nga
Bình luận